Tết mùa- Bản sắc của người Bahnar ở Kbang

17/02/2011 07:49 AM


Theo truyền thống, người Bahnar chọn nông lịch để ăn Tết mùa hay còn gọi là “Lễ đóng cửa kho” để kết thúc năm cũ, chuẩn bị một mùa rẫy mới. Đây là một phong tục có từ lâu đời và còn rất ít gia đình giữ được nguyên bản sắc. Tuy nhiên tại làng Pơ Drang, xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) thì bà con vẫn tổ chức hàng năm.

 
Theo truyền thống, người Bahnar chọn nông lịch để ăn Tết mùa hay còn gọi là “Lễ đóng cửa kho” để kết thúc năm cũ, chuẩn bị một mùa rẫy mới. Đây là một phong tục có từ lâu đời và còn rất ít gia đình giữ được nguyên bản sắc. Tuy nhiên tại làng Pơ Drang, xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) thì bà con vẫn tổ chức hàng năm.
 
 
Tết mùa thường được tổ chức sau khi bà con đã tuốt lúa xong, lúa được đưa hết vào kho. Tết không ấn định ngày, mà cứ xong mùa rẫy lúc nào thì tổ chức lúc đó.
 
 
Cúng lễ. Ảnh: Như Hướng
Cúng lễ. Ảnh: Như Hướng
Hôm nay, cả làng Pơ Drang từ già đến trẻ đều ở nhà chuẩn bị ăn Tết mùa. Mỗi người một việc chuẩn bị cho cái Tết. Người lo rửa chén, bát, xoong nồi; người đi lấy nước, giã gạo chuẩn bị nấu cơm. Món bột gạo, bà con gọi là tơ pung, được giã bằng tay để nấu cháo, gọi là (gumeer) là món ăn không thể thiếu trong những ngày này.
 
 
Heo được nuôi trong cả năm, nay được bắt để làm lễ cúng. Nhà nào cũng đan một cái lồng để nhốt gà cúng. Sau đó, cả nhà cùng đưa tất cả mọi thứ về nhà kho. Thường thì kho lúa làm ở nhà đầm, hay ở rẫy, ít người làm kho ở gần nhà. Tại kho lúa được dọn dẹp sạch sẽ, khu vực trước cửa kho là nơi bày lễ cúng.
 
 
Theo giới thiệu, chúng tôi đến kho ông Đinh Khiam- là gia đình còn tổ chức lễ cúng theo phong tục xưa. Ông Khiam và mấy đứa con chuẩn bị rất kỹ từ cái mơcút- là hai cây le được chẻ ra một đầu đan một vỉ nhỏ để bỏ đồ cúng; lơguay- là 4 cây nêu được làm rất công phu; krang- là khung gỗ làm nơi cúng trung tâm cũng được làm rất bài bản. Trau chuốt nhất là một số biểu tượng nông cụ như: Rìu, dao, rựa, búa, kẹp...  Sau khi các thứ chuẩn bị xong, chủ nhà xin Yàng đất  để đào  hố dựng giá cúng. Vật để đào phải sử dụng bằng tre hoặc gỗ chứ không được dùng bằng sắt. Giá cúng được dựng lên vững chắc gọi là hle.
 
 
Ông Khiam cho biết: Tết mùa là truyền thống của bà con, nhà nào có heo cúng heo, có gà cúng gà, ít lúa cũng cúng. Thường thì 3-4 năm mới cúng một lần to như năm nay. Chuẩn bị Tết cũng cầu kỳ nên nhiều người bỏ bớt, trong làng chỉ có một ít gia đình còn cúng theo phong tục xưa. Mình cúng để truyền cho lũ trẻ sau này.
 
 
Chuẩn bị cho Tết mùa. Ảnh: Như Hướng
Chuẩn bị cho Tết mùa. Ảnh: Như Hướng
Một bếp lửa được chuẩn bị sẵn; heo, gà được bày ra; nến được đốt lên; ghè rượu được chế nước vào và lễ cũng bắt đầu. Lễ cúng được chia ra nhiều lễ nhỏ. Đầu tiên là báo với Yàng năm nay nuôi được heo, gà, xin phép mổ thịt để cúng Yàng. Cả heo và gà đều cúng sống. Lúc đầu là ngồi cúng, cứ xong mỗi bài cúng lại chế nước lên đầu gà và heo. Sau khi làm như vậy 3 lần thì chủ nhà lại đứng lên, tay cầm con gà, giữa  gà và con heo được nối với nhau qua sợi dây, ông Khiam cúng: “Ơi Yàng! Yàng Lúa, Yàng Nước, Yàng Núi... cảm ơn Yàng đã cho cây lúa hạt nhiều, hạt lúa chắc... Yàng hãy bảo lũ chuột, lũ chim... không được ăn lúa, phá hoại. Yàng hãy bảo hồn lúa đừng sợ ở với cái rẫy và về với gia đình. Cầu xin Yàng giúp cho cây lúa năm sau tươi tốt hơn. Cho gia đình khỏe mạnh đủ sức bắt cái rẫy cho lúa nhiều trong năm sau...”.
 
 
Sau bài cúng này, chủ nhà cắt cổ gà lấy tiết bôi lên giá cúng, đầu gà được để lên giá cúng, cùng lúc đó heo cũng được giết thịt, cắt phần mõm để lên giá cúng. Chủ nhà lại cúng, tay cầm đầu gà và mõm heo, sau một bài cúng lại ném xuống đất để xin Yàng phù hộ như xin keo bằng đồng xu của người Kinh, lúc này mới được làm thịt heo và gà.
 
 
Heo được làm sạch, phần da và  thịt từ đuôi lên đến gáy được lóc ra, luộc chín để cúng. Thịt heo được lấy một phần để nấu cho gia đình ăn, phần còn lại chia cho anh em, họ hàng. Gan heo được cắt thành mẩu nhỏ bỏ lên giá cúng. Lúc này chủ nhà cúng mời Yàng về ăn. Cần được cắm vào ghè rượu, cả nhà cùng cúng và uống rượu ăn thịt. Lễ của gia đình ông Khiam làm đầy đủ nên kéo dài khoảng 2 giờ liền.
 
 
Đối với cúng Tết mùa không cúng cơm và cháo như cúng lúa mới, nhưng hai thứ này không thể thiếu trong bữa cơm cuối năm của gia đình. Bà con ăn Tết tại kho xong, tối đến mỗi gia đình một ghè rượu đưa về nhà rông rồi cùng uống và vui đến sáng.
 
 
Ông Đinh Bưh-Trưởng thôn làng Pơ Drang, cho biết: Tết mùa được con cháu của làng Pơ Drang giữ gìn như trước đây. Hàng năm, cúng để các Yàng cho lúa, sức khỏe, con cháu học hành tốt.
 
 
Thiết nghĩ, Tết mùa là một phong tục truyền thống tốt đẹp, là bản sắc của người Bahnar cần được bảo tồn và phát huy, nhất là hiện nay xã Krong nói riêng, huyện Kbang nói chung đang được chọn xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã điểm, huyện điểm về văn hóa thể thao và du lịch.

Theo Báo Gia Lai