Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San: Tiếp bước quá khứ hào hùng

13/02/2011 04:07 AM


Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển theo dòng nghệ thuật dân tộc, Đoàn Nghệ thuật Đam San được UBND tỉnh Gia Lai phát triển thành Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San theo Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày 1-11-2010 và nâng hạng Nhà hát thành đơn vị nghệ thuật hạng II.

Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển theo dòng nghệ thuật dân tộc, Đoàn Nghệ thuật Đam San được UBND tỉnh Gia Lai phát triển thành Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San theo Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày 1-11-2010 và nâng hạng Nhà hát thành đơn vị nghệ thuật hạng II.
 
 
Vinh quang thời lửa đạn
 
 
Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San- tiền thân là đội văn nghệ tuyên truyền lực lượng vũ trang của các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1954, một số nghệ sĩ tập kết ra Hà Nội hoạt động trong đội Văn công dân tộc thuộc Ban Dân tộc Trung ương. Cùng với nghệ sĩ các tỉnh Nam bộ tập kết đợt này, Bộ Văn hóa- Thể thao quyết định thành lập Đoàn Ca múa nhân dân các dân tộc miền Nam (năm 1961). Năm 1968, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị, Đoàn tách thành hai với tên gọi Đoàn Ca múa nhân dân miền Nam (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen TP. Hồ Chí Minh) và Đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San).
 
 
Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau hơn nửa thế kỷ, Đam San không ngừng phát triển, chứng tỏ vai trò không thể thay thế của đoàn nghệ thuật giàu bản sắc. Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch luôn tin tưởng giao trọng trách cho Đam San giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các chương trình nghệ thuật lớn trên thế giới như: Giao lưu văn hóa tại các nước Đông Âu (1977), các nước Châu Á tại Thái Lan (1993), biểu diễn nghệ thuật tại Madagaxca- Nam Phi, Quảng Tây-Trung Quốc, Attapeu- Lào (2010)…
 
 
Cùng với sự phát triển của Đam San là những tên tuổi nổi tiếng như: H’Ben, Y Brơm, Xuân La, Măng Thị Hội, Nay Pha, H’Nghia, Nhật Lai, Y Dơn, Ma Quang Hạ… Những tên tuổi ấy, mãi mãi ở trong lòng công chúng, gắn liền với tên gọi Đam San. Không chỉ có sự hy sinh, hết lòng với nghệ thuật dân tộc, giai đoạn khó khăn, những nghệ sĩ chân chính vẫn luôn vững lòng trên sân khấu phục vụ nhân dân, làm nên những thành tựu rực rỡ nhất cho Đam San. Nhớ lại những ngày thiếu thốn, trang phục giản dị, không ánh đèn sân khấu, nhạc cụ đơn sơ, sân khấu di chuyển từ vùng rừng núi này sang vùng rừng núi khác… nhưng ở đâu các nghệ sĩ cũng vẫn tỏa sáng, biểu diễn bằng tất cả tình yêu với nghệ thuật, cống hiến vì đồng bào, chiến sĩ.
 
 
Lớp diễn viên, nghệ sĩ nối tiếp như Quang Tâm, Ali Việt, Châu Hằng, Thúy Hà… cùng tài năng, tâm huyết với nghệ thuật đang tiếp tục khẳng định bước phát triển của Đam San trong thời kỳ mới.
 
 
Phát triển với vị thế mới
 
Cùng với việc thăng hạng, Nhà hát có những thay đổi trong cơ cấu tổ chức với 5 phòng chuyên môn: Tổ chức-Hành chính, Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn, Dịch vụ, Đoàn ca nhạc, Đoàn múa với nhiệm vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu văn hóa nghệ thuật của địa phương đến với nhân dân trong nước và nước ngoài; nghiên cứu, sưu tầm, chế tác các sản phẩm văn hóa tinh thần phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
 
 
Nhạc sĩ Ngọc Tường- Giám đốc Nhà hát cho biết, để Nhà hát phát triển với vị thế mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đào tạo được đội ngũ kế cận vừa có tài năng, vừa tâm huyết với nghệ thuật dân tộc, nâng cao hơn chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động biểu diễn. Bởi, sau lớp nghệ sĩ đã nổi danh thì lớp ca sĩ, diễn viên thứ hai của Nhà hát cũng đều đã lớn tuổi. Nhà hát có kế hoạch tuyển thêm 20 diễn viên, ca sĩ trong năm 2011. Song, với tính chất chuyên biệt của nghệ thuật biểu diễn, việc có bằng cấp từ trường nhạc, trường múa chưa thể quyết định đến khả năng vững vàng trên sân khấu. Vì thế, việc phát hiện các tài năng nhất là người dân tộc thiểu số trong các hội diễn nghệ thuật là một trong những đầu vào quan trọng để Nhà hát có kế hoạch đào tạo lâu dài.
 
 
“Tập thể diễn viên, nghệ sĩ cố gắng tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật để phục vụ nhân dân tốt hơn. Là cái nôi nuôi dưỡng tuyệt vời cho văn hóa nghệ thuật phát triển, Đam San luôn trung thành với định hướng bảo tồn, phát huy nền nghệ thuật đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đúng như tư tưởng của Bác Hồ lúc sinh thời “Văn nghệ là biểu hiện tập trung của văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần; là hình ảnh của cốt cách, tâm hồn, đặc tính dân tộc”- nhạc sĩ Ngọc Tường khẳng định.

Theo Báo Gia Lai