Gia Lai: Diện tích mì tăng đột biến

10/02/2011 08:03 AM


Năm nay, tại các địa phương Đông Nam tỉnh Gia Lai diện tích cây thuốc lá dự báo không vượt kế hoạch gieo trồng, nhưng theo nhận định diện tích mì sẽ tăng đột biến và khó kiểm soát.

Năm nay, tại các địa phương Đông Nam tỉnh Gia Lai diện tích cây thuốc lá dự báo không vượt kế hoạch gieo trồng, nhưng theo nhận định diện tích mì sẽ tăng đột biến và khó kiểm soát.
 
 
Giá mì lát khô được thương lái đến tận rẫy thu mua với giá từ 5.500 đồng đến 6.100 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp đôi. Đây là tín hiệu vui đối với nông dân vì khó có vụ thu hoạch nào nông sản vừa được mùa lại vừa được giá như năm nay. Theo dự báo, cuối vụ, giá mì nguyên liệu còn có thể tăng cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân vụ sản xuất năm 2011, nông dân mở rộng diện tích trồng mì.
 
 
Ảnh: Anh Khoa
Ảnh: Anh Khoa
Diện tích mì tăng đột biến khiến cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát, hay nói đúng hơn là không thể kiểm soát. Tại huyện Ia Pa, kế hoạch gieo trồng năm 2011, mì trồng mới là 900 ha, mía trồng mới 250 ha, nhưng theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, diện tích hai loại cây trồng này sẽ còn tăng cao.
 
 
Thậm chí nhiều hộ gia đình sẵn sàng phá bỏ một số cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu đỗ và cả lúa rẫy để chuyển sang trồng mì. Bà Đỗ Thị Tư, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) nói: “Chúng tôi thấy cây trồng nào cho thu nhập cao thì tranh thủ làm, nếu rớt giá thì đành chịu, chứ biết làm sao”.
 
 
Nông dân nhìn vào lợi nhuận trước mắt nên mở rộng diện tích nhưng lại thiếu quan tâm đến đầu ra, việc bao tiêu sản phẩm theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “4 nhà”. Tỷ lệ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất cao, nguy cơ “khủng hoảng thừa” nguyên liệu là điều khó tránh khỏi do những năm qua giá mì luôn không ổn định. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trên thực tế còn chưa được giải quyết triệt để.
 
 
Nếu như 2 niên vụ trước, mì thu hoạch bán không được thì năm nay thương lái vào tận rẫy để mua mì tươi, thậm chí “gạ” mua “mì non”. Theo tính toán, diện tích mì sẽ vượt hơn 50 ngàn ha theo quy hoạch của tỉnh. Thực tế này đã mang lại mối lo không riêng các địa phương vùng Đông Nam mà còn cả tỉnh. Trước hết là nguy cơ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích mì, bất chấp việc phá rừng để trồng mì, dẫn đến nguy cơ đất đai bị thoái hóa. Nếu không có chế độ luân canh hợp lý thì độ phì nhiêu của đất khó phục hồi lại được, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm sa mạc hóa đất sản xuất.
 
 
Để đảm bảo cân bằng sinh thái, không phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh về diện tích các loại cây trồng, hạn chế diện tích mì tăng đột biến, Sở Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh tăng năng suất. Theo quy hoạch đến năm 2015, diện tích mì cả tỉnh khống chế dưới 50 ngàn ha, đủ để phục vụ 4 nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động.

Theo Báo Gia Lai