Dấu ấn Chư Prông

05/02/2011 05:46 AM


Nhờ sự chủ động, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo nên huyện Chư Prông ngày càng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mình. Ở lĩnh vực thu ngân sách của huyện đã có bước đột phá mạnh mẽ với mức tăng thu hàng năm 10- 15 tỷ đồng.

Nhờ sự chủ động, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo nên huyện Chư Prông ngày càng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mình. Ở lĩnh vực thu ngân sách của huyện đã có bước đột phá mạnh mẽ với mức tăng thu hàng năm 10- 15 tỷ đồng.
 
 
Năm 2009, thu ngân sách của huyện đứng vị trí thứ 3, thứ 4 trong toàn tỉnh. Riêng năm 2010, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 109% kế hoạch tỉnh giao, tăng 13,5% so năm 2009; trong đó huyện quản lý thu đạt 112% kế hoạch tỉnh giao, tăng 8,7% so năm 2009; nguồn thu của huyện chủ yếu từ thuế (các năm trước chủ yếu thu tiền sử dụng đất)-một nguồn thu mang tính ổn định và lâu bền hơn. Từ nguồn tăng thu, huyện có thêm kinh phí để chủ động đầu tư vào quá trình phát triển, giải quyết các nhu cầu bức thiết về xã hội và những vấn đề khác nảy sinh trên địa bàn.
 
 
 
Đặc biệt, năm 2010 chủ trương xây nhà tặng các gia đình chính sách, người có công còn khó khăn về nhà ở của Thường trực Huyện ủy đã trở thành một tín hiệu vui, được sự cộng hưởng ứng của nhiều người, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Huyện đã quyết định xuất từ nguồn tăng thu ngân sách 500 triệu đồng và huy động đóng góp 1.25 tỷ đồng xây được 70 ngôi nhà tặng các gia đình.
 
 
Làng Pó, xã Ia Kly cách thị trấn Chư Prông không xa nên chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Kpă Bế- thương binh loại 4/4, một trong 70 hộ thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, được huyện tặng nhà trong năm 2010. Đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Bế vẫn còn minh mẫn.
 
 
Anh Chự- Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện gợi chuyện: “Ở nhà mới già thấy thế nào?”. Ông cười hiền hậu: “Mình nghèo, huyện thương xây nhà mới cho nên rất phấn khởi”. Trong ngôi nhà xây còn thơm mùi vữa, ông kể cho chúng tôi nghe về trường hợp bị thương của mình: “Năm 1965, khi tôi đang làm du kích thì được chọn đi dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh trận Plei Me cùng với Kpuih Lăng (người cùng làng). Ngồi trong hầm nghe tiếng xe tăng Mỹ lao ầm ầm, tôi run lắm. Thấy thế, anh bộ đội bên cạnh đặt tay lên vai tôi động viên: “Bình tĩnh nhé”. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, tôi bị trúng 2 viên đạn vào chân phải”. Nói rồi ông cúi xuống kéo ống quần lên chỉ cho chúng tôi xem vết thẹo nơi khuỷu gối và ở ngón chân cái.
 
 
 
- Cuộc sống hiện tại của già thế nào?- tôi hỏi.
 
 
- Tiền trợ cấp thương tật mỗi tháng được 1,9 triệu đồng cũng tạm đủ trang trải hàng ngày và nuôi thêm đứa cháu- con của thằng út. Chúng nó có 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 4, đứa nhỏ đi mẫu giáo nên cũng khó khăn.
 
 
- Cà phê ngoài vườn là của già trồng à?
 
 
- Tôi hay đau ốm nên chẳng làm gì được. Vợ chồng thằng út mới trồng 2 năm nay đấy.
 
 
- Mong muốn của già bây giờ là gì?
 
 
- Mong muốn thì nhiều lắm nhưng Nhà nước và huyện cũng đã quan tâm, ưu tiên cho mình nhiều rồi, còn phải lo cho những người khác nữa chứ!
 
 
Nghe câu trả lời của ông, chúng tôi cảm thấy rất vui. Vậy là ông đã hiểu và đồng cảm với lãnh đạo địa phương.
 
 
Chia tay ông Bế, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Cấn là mẹ liệt sĩ ở tổ dân phố 4, thị trấn Chư Prông. Nhìn tấm lưng còng và khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ của bà lão 77 tuổi này trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Bà là người hay chuyện nên chỉ sau một tuần trà chúng tôi đã biết sơ lược về hoàn cảnh gia đình.
 
 
 
Bà quê ở Gia Viễn (Ninh Bình), có 6 người con (2 trai, 4 gái), trong đó cuộc đời cô con gái thứ 3 của bà gặp nhiều truân chuyên nhất. Thương con nhưng mãi đến khi chồng chết (năm 1995), bà mới vào Chư Prông sống cùng con để làm chỗ dựa tinh thần cho chị. Bà khoe: “Từ ngày tôi vào ở với cháu, các bác lãnh đạo huyện, lãnh đạo thị trấn rất quan tâm. Chẳng riêng ngày lễ, ngày Tết mà cả khi tôi đau ốm các bác đều đến thăm hỏi, động viên nên cũng thấy ấm lòng”. Nói rồi bà nở nụ cười mãn nguyện.
 
 
Bên cạnh việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Từ việc hỗ trợ giống, phân bón, đảm bảo thủy lợi, thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm phục vụ bà con sản xuất, đến việc triển khai phòng- chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo... đều được huyện chủ động và tích cực thực hiện.
 
 
Năm 2010, huyện đã hoàn thành được 79 ngôi nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ; mở 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; cấp 52.301 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh ở vùng III; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng 227 lao động vào làm công nhân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hoàn thành giải ngân 500 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm... Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên về chất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 11,68% (giảm 4,8% so với năm 2009).
 
 
Bằng những bước đi phù hợp, quan điểm “vì dân” của lãnh đạo huyện Chư Prông ngày càng cụ thể hơn, thiết thực hơn đã và đang phát huy hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để Chư Prông bước vào năm 2011- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ huyện, tạo tiền đề và động lực để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011- 2015).

Theo Báo Gia Lai