Gia Lai: Tăng cường các biện pháp kiềm chế tăng giá

13/01/2011 07:34 AM


Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011, Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Công Lự- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về các giải pháp thực hiện sự chỉ đạo trên của Trung ương.

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011, Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Công Lự- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về các giải pháp thực hiện sự chỉ đạo trên của Trung ương.


Giá cả hàng hóa trên thị trường liên tục tăng, ngoài các yếu tố khách quan, xin ông cho biết công tác quản lý, kiểm soát giá hiện nay?
 
 
-Trong những tháng cuối năm 2010 đến nay, giá cả hàng hóa trên thị trường biến động tăng lên-Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành; UBND tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra và có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Bên cạnh việc kiểm tra kiểm soát chống các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
 
 
Các ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông hàng hóa trên thị trường; kiểm dịch động vật, thực vật, trước hết là tại cửa khẩu, các khu giết mổ, chế biến tập trung gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, ghi nhãn, công bố thông tin về hàng hóa, gian lận trong đo lường, nhất là đối với lương thực, thực phẩm tươi sống, đông lạnh và chế biến nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
 
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 ở mức cao, tác động đến sản xuất, đời sống của nhân dân, tỉnh có biện pháp gì để ổn định tình hình, thưa ông?
 
 
-Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2010 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 10,11% so với tháng 12-2009. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tăng cường công tác quản lý và bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn. Những tháng giáp Tết Nguyên đán, theo quy luật thị trường hàng hóa, dịch vụ sẽ sôi động, sức mua, việc chi tiêu của nhân dân sẽ tăng cao, theo đó là giá cả cũng tăng theo.
 
 
Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là theo dõi và đánh giá sát diễn biến thị trường, chú ý lượng hàng hóa, giá cả, chất lượng đưa vào thị trường, qua đó để có biện pháp can thiệp kịp thời không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá cục bộ. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương vận động các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị và triển khai bán hàng hóa phục vụ Tết, đảm bảo hàng hóa đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý; tổ chức hệ thống phân phối, điểm bán hàng tại các khu vực dân cư, nhất là các khu vực đông dân cư; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá cục bộ.
 
 
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ ở các huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa và cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn, nhiều nhất là Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Vinatex... Các doanh nghiệp cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức các đợt bán hàng lưu động và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 
 
 
Tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng chính sách phải cung ứng đủ lượng, cơ cấu chủng loại hàng hóa đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.
 
Việc kiểm tra, kiểm soát và tổ chức thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết được triển khai như thế nào?
 
 
-Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, kiểm tra, kiểm soát và tổ chức thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.
 
 
 Ngoài nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng đúng theo giá niêm yết trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, giống cây trồng, phân bón, thuốc chữa bệnh,...
 
 
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ, kiềm chế tốc độ tăng giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tôi đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phản ánh kịp thời tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ; việc ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
 
 
Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Gia Lai