Trồng cao su: Nông dân đổi đời

12/01/2011 07:28 AM


Xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) hiện có 731 hộ, 3.897 khẩu (100% là người dân tộc Bahnar sinh sống), tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% và gần 19% hộ thuộc diện cận nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp là chính. Đất sản xuất hầu hết là nương rẫy (93,7%). Cây trồng chủ lực của xã là mì và lúa rẫy nhưng rất bấp bênh… Do đó, kinh tế- xã hội của xã còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả huyện.

Thăm vườn cao su tiểu điền của nông dân. Ảnh: L.N
Thăm vườn cao su tiểu điền của nông dân. Ảnh: L.N
Xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) hiện có 731 hộ, 3.897 khẩu (100% là người dân tộc Bahnar sinh sống), tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% và gần 19% hộ thuộc diện cận nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp là chính. Đất sản xuất hầu hết là nương rẫy (93,7%). Cây trồng chủ lực của xã là mì và lúa rẫy nhưng rất bấp bênh… Do đó, kinh tế- xã hội của xã còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả huyện.
 
 
Để giúp người dân Hà Đông phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2009 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đưa vào trồng thử nghiệm mô hình cây cao su tiểu điền cho 5 hộ dân của 2 làng Kon Maha và Kon Pơram với tổng diện tích 3,15 ha. Ông Brôt-một trong 5 hộ được chọn trồng thí điểm cây cao su, cho hay: “Trước đây gia đình tôi rất phân vân vì cây cao su không biết có thích hợp hay không, nhưng sau khi nghe cán bộ tuyên truyền, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký trồng thử. Gia đình tôi trồng được 900 cây cao su, sau 2 năm cây cao su phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh và tỷ lệ sống cao”.  
 
 
Thấy được cây cao su có khả năng thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã và là một cây trồng trong tương lai giúp cho người dân phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu, năm 2010, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, xã Hà Đông tiếp tục hỗ trợ cho một số hộ giống cây cao su, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và mở rộng thêm 11,5 ha. Ngoài cây cao su, cây đậu xanh cũng đang giúp cho người dân xã Hà Đông phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bình quân mỗi ha đậu xanh sau khi trừ chi phí đầu tư người dân có thể thu lãi khoảng 45-50 triệu đồng. Ông Phạm Duy Chinh- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hà Đông, cho biết: “Xã không có đất để trồng lúa nước, người dân phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy là chính. Chủ trương của xã là giúp người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tiến tới phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo. Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ cây cao su ở nhiều địa phương nên xã đưa cây cao su vào trồng giúp người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới xã sẽ mở rộng thêm diện tích cây cao su lên khoảng 45 ha và khoảng 100 ha cây đậu xanh”.
 
 
Ông Lương Minh Thiện- Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Huyện xác định về lâu dài cây mì không thể giúp cho người dân xã Hà Đông xóa đói giảm nghèo được vì nó làm cho đất ngày càng nghèo kiệt. Việc phát triển cây cao su giúp người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng tích cực. Năm đầu trồng cao su nông dân có thể trồng xen nhiều loại cây trồng khác như đậu xanh, đậu phụng, bắp… nhằm đảm bảo lương thực, tăng thu nhập. Có thể nói cây cao su, cây đậu xanh mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, là cây trồng trong tương lai sẽ giúp người dân xã Hà Đông thoát nghèo”.

Theo Báo Gia Lai