Gia Lai: Hướng tới mục tiêu 2.700 tỷ đồng thu ngân sách

02/01/2011 05:50 PM


Năm 2010, là năm vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế; thời tiết, dịch bệnh vẫn diễn ra bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) có những chuyển biến tích cực, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra.

Nhìn lại năm 2010
 
 
Năm 2010, là năm vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế; thời tiết, dịch bệnh vẫn diễn ra bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) có những chuyển biến tích cực, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra.
 
 
Tổng thu ngân sách (NS) năm 2010 đạt 2.400 tỷ đồng, đạt 111,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 19,5% so với năm 2009. Trong đó số thu do ngành Thuế quản lý đạt 2.190 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2009. Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều vượt dự toán được giao.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Nguồn tăng thu từ các công trình thủy điện lớn đang hoạt động, chiếm khoảng 10% số thu NS của tỉnh, dự báo hàng năm chỉ tăng khoảng 5-7% (do tăng giá điện). Việc khai thác các nguồn thu mới phát sinh từ dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp phải đến năm 2014-2015 mới bắt đầu; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu khởi sắc; số thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh phụ thuộc nhiều vào tình hình SXKD cà phê, hồ tiêu, trong khi các sản phẩm này có sản lượng đã tương đối ổn định, tuy nhiên giá cả lại bấp bênh…

 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên lĩnh vực thu ngân sách cũng còn những hạn chế, yếu kém chung, đó là: Nguồn thu có quy mô lớn còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và nhiều sản phẩm còn thấp. Trong tổng thu NS thì thuế gián thu (thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt) chiếm tỷ trọng lớn (65% tổng thu từ kinh tế), thuế thu nhập doanh nghiệp tỷ trọng còn thấp (8% tổng thu từ kinh tế), tập trung ở một số doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm có vị thế trên thị trường, phản ánh chất lượng, hiệu quả SXKD chưa cao.
 
 
Thực tế, hầu hết các DN trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, chưa tạo được nguồn thu lớn cho NS nhà nước. Trong khi đó, một số DN sản xuất sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra nguồn thu lớn, như cao su thực hiện đầu tư mở rộng và hiện đại hóa dây truyền công nghệ sản xuất, nên phải khấu trừ thuế GTGT đầu vào do đầu tư lớn, thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi, nên số nộp NS giảm; các dịch vụ viễn thông, điện lực… tăng nhanh, nhưng chưa tăng nguồn thu do cơ chế quản lý và phân bổ thuế đầu vào của các tổng công ty cấp trên; sản phẩm đường kết tinh, giá cả bị tác động và chi phối bởi thị trường thế giới, nên nguồn thu không ổn định.
 
Các ngành dịch vụ khác, như: Ngân hàng, bảo hiểm, hạch toán toàn ngành nên không đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho tỉnh. Nhiều sản phẩm đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế 5 năm qua, nhưng do trong thời gian ưu đãi thuế nên chưa tạo nguồn tăng thu NS; các dự án đầu tư vào sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị cao chưa nhiều, chủ yếu ở lĩnh vực phân phối (thương mại), nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, năng lực của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản còn hạn chế nên một số dự án đầu tư lớn lại do các DN tỉnh ngoài thi công, dẫn đến không những hạn chế sự phát triển của DN trong tỉnh mà còn giảm nguồn thu trên địa bàn; công tác phối hợp quản lý, đấu tranh chống gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất, khai thác tài nguyên, xây dựng cơ bản... có tiến bộ nhưng kết quả còn hạn chế.
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Giải pháp đặt ra cho năm 2011
 
Nhiệm vụ thu NS năm 2011 được hoạch định tăng so với năm 2010 là 12,5% (2.700 tỷ đồng so với 2.400 tỷ đồng), trong đó ngành Thuế quản lý tăng 13,2%, trừ tiền đất tăng 14,4% so với năm 2010. Như vậy, xét về tổng thu, mỗi tháng tỉnh phải thu NS 225 tỷ đồng, nếu không chăm sóc nguồn thu là hoạt động SXKD và thu hút các nhà đầu tư mới thì không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
 
 
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NS năm 2011, theo các chuyên gia, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sau:
 
 
Về cơ chế chính sách phát triển KT-XH của tỉnh, cần được tổng kết đánh giá, phân loại những chính sách cần bãi bỏ, những chính sách cần sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2011-2015.
 
 
Cần có sự chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp của Ủy ban Nhân dân tỉnh về điều hành và quản lý thu. Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2010; khảo sát, dự báo các nguồn thu phát sinh trong năm 2011, giao mức phấn đấu thu cho từng đơn vị thu trong ngành sát với nhiệm vụ thu của địa phương ngay từ đầu năm.
 
 
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa các khoản thu từ đất ngày càng tăng, do vậy cần quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả theo quy hoạch, kế hoạch dài hạn nguồn lực từ đất đai, thực hiện công khai, minh bạch trong đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo huy động nguồn lực từ đất có hiệu quả để đầu tư phát triển. Thực hiện bán, cho thuê tài sản nhà nước, kể cả bán, cho thuê quyền khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng để tái tạo nguồn đầu tư cho NS và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản; khảo sát xác định trữ lượng tài nguyên làm cơ sở cho việc thực hiện đấu giá cấp phép khai thác tài nguyên, khai thác mỏ. Các ngành chức năng đánh giá tình hình thu từ đất đai, xác định nguyên nhân cụ thể đưa ra biện pháp tháo gỡ để đẩy mạnh các khoản thu từ đất đai đối với các địa phương có điều kiện phát triển như: Chư Sê, An Khê, Đức Cơ, Chư Pưh... Qua đó, tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án lớn về dân sinh, kinh doanh, cải thiện thủ tục để tốc độ thực hiện bật nhanh ngay từ đầu năm.
 
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 DN, 95% là DN nhỏ và vừa. Do đó, phát triển DN cả về số lượng, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các thành phần kinh tế phát huy nguồn lực bên trong và bên ngoài, sử dụng công nghệ tiên tiến, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trong nước; phát triển SXKD bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và tạo nguồn tăng thu NS.
 
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế, đề cao trách nhiệm của DN, tổ chức, cá nhân trong việc tự kê khai, tính thuế, nộp thuế; trao quyền chủ động cho DN trong việc tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; thực hiện kê khai thuế điện tử, mở rộng nộp thuế qua ngân hàng, triển khai các dịch vụ tư vấn thuế, khen thưởng những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật thuế. Nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngành Thuế, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thuế chuyên sâu, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có phong cách ứng xử văn minh.
 
 
Mặc dù, dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NS năm 2011 cũng như giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu gia nhập câu lạc bộ 5.000 tỷ đồng năm 2015 là một thách thức lớn, song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tin rằng Gia Lai sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Theo Báo Gia Lai