Gia Lai: Làng Nhă- Mô hình làng văn hóa kiểu mẫu

30/12/2010 07:52 AM


Làng Nhă thuộc xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) được chọn làm điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Làng Nhã có tổng diện tích 50 ha, dân số 79 hộ với 386 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Jrai.

Làng Nhă thuộc xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) được chọn làm điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Làng Nhã có tổng diện tích 50 ha, dân số 79 hộ với 386 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Jrai.
 
 
Trước khi phát động phong trào xây dựng làng văn hóa, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, sống du canh du cư, nhiều hộ thiếu đói, đường làng ngõ xóm đi lại khó khăn, bệnh tật thường xuyên xảy ra, các tập tục lạc hậu như nạn tảo hôn, cúng bái, chết chôn chung… vẫn còn tồn tại trong đời sống nhân dân.
 
 
Nét đẹp truyền thống. Ảnh: Nguyễn Văn Tiên
Nét đẹp truyền thống. Ảnh: Nguyễn Văn Tiên
Từ khi được huyện Chư Sê chọn làm điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Gia Lai, với truyền thống cách mạng và nghe theo lời dạy của Bác Hồ đối với các dân tộc Tây Nguyên, bà con làng Nhã đã nhận thức được cuộc vận động đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân đã quyết tâm xây dựng làng mình thành làng văn hóa kiểu mẫu.
 
 
Cùng với các cấp chính quyền hỗ trợ nguồn vốn cho bà con trong làng vay, từng bước chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng kinh tế vườn từ cây lúa rẫy chuyển sang trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, bắp… có giá trị kinh tế cao. Đến nay nhiều gia đình trong làng có thu nhập từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm điển hình như gia đình ông: Siu Hol, Rah Lan Huy, Siu Glong, Rơ Mah Brê… là những gia đình khá giả trong làng, trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu. Cả làng đã có 75% nhà xây kiên cố, số còn lại ngói hóa và lợp tôn, 100% số hộ trong làng được dùng điện lưới quốc gia và nước sạch. Bằng nguồn thu nhập trong sản xuất, chăn nuôi, bà con trong làng đã mua được 30 xe công nông dùng thay sức cày kéo cho gia súc và tưới tiêu cho hoa màu. Kinh tế trang trại cũng được phát triển với 165 con bò sinh sản và hàng ngàn con heo, gà cải thiện cho cuộc sống hàng ngày.
 
 
Ngoài ra, Ban vận động thôn đã xây dựng được hương ước của làng và họp dân lấy ý kiến thông qua tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Nhiều cuộc vận động và các phong trào thi đua được tiến hành đồng bộ như thực hiện kế hoạch hóa gia đình, làng đã có trên 20% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các phong trào đề ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, nghĩa vụ công ích, các khoản thuế nhân dân trong làng đều tự giác thực hiện đầy đủ.
Các tập tục lạc hậu như nạn tảo hôn, ma lai, chết chôn chung; các tập tục thương tiếc người mất như đập đầu, kiêng tắm rửa đều được xóa bỏ. Tình hình an ninh-trật tự trong làng ổn định, nhân dân tuyệt đối không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu lôi kéo vượt biên trái phép gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
 
 
Ban vận động làng tập trung vào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân như tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, múa xoang đón chào năm mới; lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng; khôi phục lại các loại hình văn hóa truyền thống.
 
 
Với những cố gắng không ngừng, làng Nhã đã thành công trong việc giữ vững danh hiệu làng văn hóa nhiều năm liền.

Theo Báo Gia Lai