Gia Lai: Vùng biên xanh thẳm

23/12/2010 07:48 AM


Đón tôi ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, ông Phan Trọng Tỷ- Trưởng thôn làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cười phấn khởi: “Làng Bi hôm nay đang từng ngày đổi mới, đã khá hơn rất nhiều so với 2 năm trước.

Một góc làng Bi. Ảnh: T.H
Một góc làng Bi. Ảnh: T.H
Đón tôi ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, ông Phan Trọng Tỷ- Trưởng thôn làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cười phấn khởi: “Làng Bi hôm nay đang từng ngày đổi mới, đã khá hơn rất nhiều so với 2 năm trước. Bà con trong làng đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”.
 
 
Làng Bi hôm nay, vẫn những mái nhà Jrai thuần khiết, những con đường liên thôn quanh co, rợp mát, vẫn những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay thật chặt của người dân khi gặp tôi và đây đó bi bô tiếng trẻ học bài vang lên từ các điểm trường.
 
Nhưng trong hơn 240 nếp nhà yên bình ấy, tôi đã bắt gặp nhiều hơn những mái nhà xây cao rộng, thoáng mát, mọc bên những con đường phẳng lỳ, rộng mở. Và trong những nụ cười thân thiện ấm áp của người dân làng Bi tôi đọc được rất nhiều niềm vui, sự sảng khoái của người già, sự hứng khởi của lũ thanh niên và nhiều hơn là những tiếng cười trong veo của đám trẻ. Người già thì ngồi kể cho tôi nghe về sự đổi mới của làng, từ ngày làng Bi được Nhà nước xây nhà theo Chương trình 134, được hưởng lợi từ dự án xây nhà cho quân nhân của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Lũ thanh niên thì kể chuyện làm công nhân cho các đội sản xuất của Công ty 72 (Binh đoàn 15), chuyện sinh hoạt Đoàn với những mô hình làm kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Còn đám trẻ, chuyện của các em là những bài học mới nhất tại trường… Tất cả đều chan hòa, ấm áp và réo rắt những âm thanh của một cuộc sống đang mới lên từng ngày.
 
Gặp Ksor Gon-một trong những hộ giàu của làng Bi khi Gon vừa đi cạo mủ cao su về, Gon cười hỉ hả: “Năm nay, tay nghề của mình được nâng cao, thời tiết lại thuận lợi nên cao su cho nhiều mủ. Vậy là vượt sản lượng rồi, mừng lắm. Vợ chồng mình, ngoài tiền lương lại có thêm 7 sào lúa, 2 ha mì, rồi nuôi thêm heo, bò, gà nữa, một năm cũng để dành được hơn 50 triệu đồng. Mình còn phải phấn đấu nhiều, cố làm cho có nhiều lúa, gạo để làm gương cho đám thanh niên trong làng, vì mình là đảng viên mà và có thêm tiền để lo cho con nữa. Nó còn nhỏ nhưng mình muốn nó có điều kiện học tập, sau này trở thành người nhà nước, là giáo viên chẳng hạn, có nhiều chữ để giúp dân làng…”.
 
 
Tuy nhiên, làng Bi không phải là không còn những khó khăn, vất vả. Chuyện thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm làm ăn… của bà con nơi đây không phải là chuyện mới, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của làng vẫn cao (56 hộ). Cũng bởi thế mà trong câu chuyện với tôi, Trưởng thôn Phan Trọng Tỷ luôn canh cánh nỗi niềm trăn trở: “Chúng tôi đang cố gắng tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã để có những hướng đi giúp làng Bi ngày một phát triển, nhưng cần phải có thời gian. Mừng là hiện 100% hộ dân trong làng đã chăm lo làm ăn, có ý thức học và tiếp thu kiến thức mới, bước đầu đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời luôn đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ. Những gia đình trẻ có thu nhập cao như hộ Ksor Gon, Rơ Chăm Lại, Nguyễn Quốc Phong, Nguyễn Văn Thạch… ngày một nhiều. Rồi đây, chỉ một vài năm nữa, làng Bi sẽ thêm trù phú…”.

Theo Báo Gia Lai