Giải pháp giúp nông dân Gia Lai thoát nghèo bền vững

14/12/2010 07:37 AM


Gia Lai hiện có 2.036 trang trại với diện tích khoảng 9.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả, gần 12.000 con trâu, bò, heo... trị giá hơn 500 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm đạt khoảng trên 100 tỷ đồng.

Gia Lai hiện có 2.036 trang trại với diện tích khoảng 9.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả, gần 12.000 con trâu, bò, heo... trị giá hơn 500 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm đạt khoảng trên 100 tỷ đồng.
 
Khi nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
 
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh Hồ Dương- dân tộc Bahnar làng L3, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) lên lập nghiệp tại làng Pơ Nang, xã Tú An, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê). Từ những trở ngại ban đầu trên vùng đất lạ lại vừa được nhận làm rể của buôn làng nên cuộc sống của gia đình Hồ Dương gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều năm qua, bà con làng Pơ Nang chỉ biết bám vào lúa bắp nương rẫy mà chưa biết đến trồng mía, ớt hay dưa hấu… để nâng cao thu nhập.
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Nhờ những thông tin về kỹ thuật nông nghiệp mà Hồ Dương học được-lúc ấy anh đang phụ trách Đoàn Thanh niên của xã, anh rủ một số bà con trong làng trồng mía nhằm cải thiện cuộc sống. Ban đầu, không ai đồng ý bởi theo họ, từ bao đời nay, dân làng Pơ Nang có trồng mía bao giờ. Nhưng rồi, nghe Hồ Dương vận động mãi, một số người bắt đầu trồng theo. Trong vụ mía đầu tiên, bà con làng Pơ Nang trúng lớn khi mía được Nhà máy Đường An Khê mua với giá khá cao, từ 420 ngàn đồng đến 450 ngàn đồng/tấn. Không chỉ hướng dẫn dân làng Pơ Nang trồng mía, từ năm 2005 đến nay Hồ Dương còn vận động bà con làng Pơ Nang trồng rau xanh cung cấp cho thị trường thị xã An Khê, huyện Đak Pơ…
 
Kon Gang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, đời sống của bà con nông dân (chủ yếu là đồng bào Bahnar) còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ quanh quẩn khi trình độ sản xuất còn manh mún với lúa rẫy, nương bắp, đời sống đồng bào còn bị ảnh hưởng bởi tập tục lạc hậu... Mới đây, thời tiết không thuận lợi, ruộng lúa thiếu nước lại không được chăm sóc, bón phân… nhiều hộ dân làng Klok bán nương rẫy để lấy tiền. Không như họ, gia đình Chem không chỉ trụ vững trong sản xuất, vượt qua những thời điểm khó khăn mà còn vươn lên làm giàu. Với vốn liếng chỉ vỏn vẹn hơn 1 ha cà phê, chỉ sau 3 mùa rẫy, hiện gia đình Chem đã được xem là một hộ nông dân khá nhất làng Klok với một trang trại rộng gần 7 ha: 3 ha cà phê, 1 ha chuối, 2 ha mì, hơn 5 sào lúa nước và nhiều vườn trồng rau xanh phục vụ bữa ăn trong gia đình.
 
Ngược về thăm gia đình Rah Lan Đỏ (làng O Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) với khá nhiều bất ngờ. Anh Rah Lan Đỏ tâm sự: “Sau khi học bổ túc, từ năm 1992 mình đi dạy lớp 1, 2, đến năm 1998 thì xin nghỉ làm nông. Thời gian đầu khó khăn lắm, vừa trồng hoa màu vừa nuôi 4 con ăn học nên gia đình thiếu thốn quanh năm. Sau mấy mùa rẫy chịu khó tích lũy, mình lấy vốn trồng cà phê, vừa học hỏi cách làm của người Kinh để có hiệu quả. Sau đó chuyển sang trồng tiêu, trồng cao su, nuôi bò. Mình đang dự định xây nhà trên 400 triệu đồng”.
 
Hiện tại, gia đình anh Đỏ có hơn 2 ha cà phê, 1.400 trụ tiêu kinh doanh, 6 ha cao su 4 năm tuổi và đàn bò trên 25 con, thu nhập hàng năm luôn từ 300-400 triệu đồng trở lên. Không chỉ riêng anh, tại làng O Ngol này, những nông dân Jrai có thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng khá nhiều.
 
Nhà nước cùng “chung tay” với nông dân
 
Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo. Do đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm qua đã có bước phát triển nhanh và tương đối bền vững; nhịp độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh từ 6% đến 6,5%/năm. Hàng năm tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
Năm 2006, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (giá cố định năm 1994) là 5.233 tỷ đồng, trong đó, giá trị trồng trọt chiếm 94,4%, đến năm 2010 giá trị sản xuất ước đạt 6.803 tỷ đồng. Như vậy, qua 5 năm giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng 1.626 tỷ đồng tăng hơn 30% so với năm 2006. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã có chuyển biến đáng kể, cơ cấu trồng cây lương thực có hạt năm 2006 là 31,2% đến năm 2010 là 29,2%, nhóm cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả năm 2006 là 41,8% đến năm 2010 là 43,5%, nhóm cây hàng năm khác năm 2006 là 27% đến năm 2010 là 27,3%.
 
Trong những năm tới, khi cây cao su tiểu điền vào thời kỳ kinh doanh, tỉnh sẽ còn nhiều hộ và nhiều diện tích khác cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trong tỉnh đã quan tâm nhiều đến chuyển đổi cơ cấu giống. Tại các vùng trọng điểm lúa như: Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa, Đak Đoa, TP. Pleiku nhân dân đã thường xuyên dùng các giống lúa mới cấp “xác nhận”, cấp “nguyên chủng”, giống bắp lai, mì và mía…
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đến lúc cần khuyến cáo đến chính quyền các cấp và nông dân về phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, cần phải có quá trình nhận thức và triển khai đồng bộ. Phải rà soát điều chỉnh quy hoạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp với kinh nghiệm, khả năng, trình độ của người nông dân trên từng địa bàn đưa vào sản xuất để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; duy trì, củng cố đội ngũ khuyến nông viên cơ sở; cần có chính sách khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Theo Báo Gia Lai