Gia Lai: Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm

10/12/2010 07:30 AM


Huyện Phú Thiện có đàn gia cầm, thủy cầm lớn nhất tỉnh Gia Lai. Riêng đàn vịt ở đây có khoảng 170.000 con, được chăn nuôi tập trung ở 20 hộ dân.

Huyện Phú Thiện có đàn gia cầm, thủy cầm lớn nhất tỉnh Gia Lai. Riêng đàn vịt ở đây có khoảng 170.000 con, được chăn nuôi tập trung ở 20 hộ dân.
 
Từ đầu năm 2010, Chi cục Thú y cấp cho Trạm Thú y huyện 1.900 lít hóa chất Bencocide để tiêu độc khử trùng, phòng dịch. Trạm đã cấp hóa chất và hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy mô lớn tự tiêu độc khử trùng. Còn tại 2 lò ấp trứng gia cầm ở xã Ia Piar và Ia Sol được tổ chức giám sát dịch bệnh thường xuyên. Nhờ đó, trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm.
 
Tuy nhiên, theo ông Tăng Văn Chính- Trưởng trạm Thú y huyện thì: “Vì 2 năm nay tỉnh Gia Lai không tiến hành tiêm phòng vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm, thủy cầm nên đàn gà, vịt không có kháng thể, rất dễ xảy ra dịch bệnh. Mặt khác, trên địa bàn có sự hiện diện của một số đàn vịt chạy đồng từ tỉnh Phú Yên, Bình Định nên dễ lây lan sang đàn gia cầm địa phương”.
 
 
Chăn nuôi vịt tập trung tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Phương
Chăn nuôi vịt tập trung tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Phương
Đây cũng là tâm trạng lo lắng chung của nhiều hộ chăn nuôi vịt ở Phú Thiện. Ông Nguyễn Thành Hưng- chủ trại vịt gần 4.000 con ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện), thấp thỏm cho biết: “Trại vịt của tôi mới nuôi 2 năm nay nên chưa được tiêm vắc xin phòng dịch cúm. Hiện vịt đang trong thời kỳ đẻ rộ, nếu tự đi mua thuốc về tiêm thì chúng sẽ ngừng đẻ mất khoảng một tuần, tôi phải chịu lỗ mỗi ngày gần chục triệu đồng. Cả gia tài của nhà tôi dồn hết vào bầy vịt này nên bước sang mùa mưa lạnh là tôi lo lắm”.
 
 
Gần 2 tháng nay, Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch cúm gia cầm các huyện Đông Nam tỉnh thường xuyên tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Nga-chủ hộ kinh doanh gà tại chợ thị xã Ayun Pa cho biết: “Trạm Thú y Ayun Pa tổ chức kiểm soát dịch bệnh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các hộ kinh doanh gia cầm ở chợ mỗi tuần một lần, nên ý thức về phòng-chống dịch bệnh của người dân và các hộ kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm được nâng lên”.
 
 
Ông Hồ Văn Diện- Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch cúm gia cầm, cho biết: Vì là đầu mối giao thương của cả vùng Đông Nam tỉnh nên công tác phòng-chống dịch bệnh luôn được coi trọng. Cán bộ thú y của 8 xã, phường tăng cường giám sát dịch bệnh; vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại. Riêng gần chục hộ nuôi vịt tập trung ở xã Chư Băh, phường Hòa Bình và các đàn vịt chạy đồng được khoanh vùng, thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng thường xuyên; nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm có biểu hiện mầm bệnh trên địa bàn...
 
 
Tuy nhiên, gần đây tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở thị xã Ayun Pa đã có tình trạng gà chết rải rác. Điều này theo lý giải của ông  Ksor Nhuat- Trưởng trạm Thú y Ayun Pa: Do tình trạng chăn nuôi gà ở quy mô nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh; mặt khác, các hộ chăn nuôi không tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho gà và khi có gà chết lại tự chôn hủy mà không báo cáo cán bộ thú y biết để xử lý. Vì thế Trạm Thú y không lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện và triển khai kịp thời các biện pháp giám sát dịch bệnh.
 
 
Đây cũng là khó khăn chung của các huyện phía Đông Nam tỉnh trong việc phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Do đó, công tác giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực buôn bán tập trung đang là nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu trong thời điểm hiện nay.

Theo Báo Gia Lai