Gia Lai: Doanh nghiệp cao su chật vật tìm lao động

09/12/2010 07:16 AM


Gần 2.600 là số lao động còn thiếu và cần tuyển dụng trong thời gian tới mà các doanh nghiệp tham gia dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh đưa ra. Con số này cao gấp hai lần so với số lao động đã tuyển dụng được và ký hợp đồng trên 12 tháng trong hai năm (2008 và 2010). Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán tìm kiếm lao động xem ra không hề dễ.

Gần 2.600 là số lao động còn thiếu và cần tuyển dụng trong thời gian tới mà các doanh nghiệp tham gia dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh đưa ra. Con số này cao gấp hai lần so với số lao động đã tuyển dụng được và ký hợp đồng trên 12 tháng trong hai năm (2008 và 2010). Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán tìm kiếm lao động xem ra không hề dễ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê, Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa và Kbang sang trồng cao su từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh tạm giao gần 46.000 ha đất rừng nghèo cho 14 doanh nghiệp tiến hành khảo sát trồng cao su. Tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ trong hai năm (2008 và 2010), các doanh nghiệp mới khai hoang và trồng mới được 11.862 ha.
 
 
Thu hút lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp-vấn đề không hề đơn giản. Ảnh: L.H
Thu hút lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp- vấn đề không hề đơn giản. Ảnh: L.H
Để phục vụ quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động có thời hạn trên 12 tháng với 1.307 lao động, trong đó có 796 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 61%). Để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, theo tính toán, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tuyển dụng thêm gần 2.600 lao động. Trong đó, thiếu trầm trọng nhất có thể kể đến: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah 400-500 lao động; Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) 320 lao động; Công ty Quốc Cường 200 lao động; Công ty Quang Đức 500 lao động… Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội với lãnh đạo các huyện và doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều kêu khó trong vấn đề tuyển và sử dụng nguồn lao động.

 
 
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cho biết: “Lao động là người dân tộc thiểu số hầu hết trình độ nhận thức và kỹ năng lao động còn rất hạn chế, nên việc tiếp thu cũng như thực hiện các khâu trồng, chăm sóc cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần ưu tiên giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại chỗ, Công ty đã cố gắng tạo điều kiện tiếp nhận và áp dụng nhiều giải pháp để hỗ trợ cho những đối tượng này, song việc tuyển và sử dụng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Dù mức lương trên 3 triệu đồng/tháng nhưng người dân chưa mấy mặn mà. Năm 2010, Công ty có đăng ký tuyển dụng 30 lao động nhưng mới chỉ tuyển dụng được 10 lao động”.
 
 
Theo Đại tá Trần Văn Khanh- Giám đốc Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15), thì: Việc tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số rất khó vì hầu hết người dân vẫn còn nặng tập quán lao động và sinh hoạt buôn làng, tính tự giác và ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém, thậm chí thích thì làm, không thích thì nghỉ, đi muộn về sớm… nên khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đơn vị. Hơn nữa, bà con lại không thích đi xa buôn làng, chưa có thói quen sống ở những khu dân cư mới.
 
 
Khó tuyển dụng lao động tại chỗ, các đơn vị đã phải tính phương án đưa lao động từ các vùng khác đến. Tuy nhiên, giải pháp này cũng nảy sinh không ít vấn đề phức tạp, nhất là việc đảm bảo an ninh chính trị vì diện tích chuyển đổi phần nhiều ở các khu vực an ninh chính trị phức tạp, việc vận chuyển lại không hề dễ dàng.
 
 
Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đưa quan điểm: Các doanh nghiệp nên tăng cường hơn nữa mối liên hệ với ngành chức năng địa phương trong vấn đề tìm hiểu, tuyên truyền và vận động thu hút người dân vào làm việc; xây dựng và thống nhất mức trần về chế độ lương giữa các doanh nghiệp để tránh cạnh tranh không lành mạnh... Đặc biệt, các doanh nghiệp nên tận dụng kết quả cuộc điều tra cung cầu lao động trên địa bàn để xây dựng phương án tuyển dụng. Các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo cuộc sống người lao động...

Theo Báo Gia Lai