Cận cảnh thể thao Gia Lai

06/12/2010 07:22 AM


Phải đến cuối tháng 12- khi Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VI kết thúc thì vị trí của thể thao Gia Lai (TTGL) trên bản đồ cả nước mới được xác lập. Tuy nhiên, thể thao đâu chỉ đơn thuần là số lượng và màu sắc của các tấm huy chương, vẫn còn có nhiều mặt khác được tính đến.

Phải đến cuối tháng 12- khi Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn  quốc lần thứ VI kết thúc thì vị trí của thể thao Gia Lai (TTGL) trên bản đồ cả nước mới được xác lập. Tuy nhiên, thể thao đâu chỉ đơn thuần là số lượng và màu sắc của các tấm huy chương, vẫn còn có nhiều mặt khác được tính đến.
 
 
Những con số…
 
 
Là người gắn bó với TTGL hàng chục năm qua, ông Phạm Hồng Phong- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, kiêm Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Đào tạo Thể thao Gia Lai đánh giá: “Trong quá trình trưởng thành, thể thao tỉnh ta có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhìn một cách tổng thể, biểu đồ phát triển của TTGL luôn có chiều hướng đi lên một cách khá mạnh mẽ và vững chắc, mà đỉnh cao là năm 2010. Theo tôi, nếu lấy Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI làm thước đo, thì thể thao thành tích cao Gia Lai được xếp vào nhóm trung bình khá trong cả nước. So với các tỉnh miền núi, chúng ta xếp ở nhóm đầu. Bên cạnh đó, Gia Lai được coi là một trong số ít các địa phương nổi bật trong cả nước thành công về lĩnh vực xã hội hóa thể thao”.
 
 
Nguyễn Văn Long (giữa) trên bục nhận HCV cự ly 21km. Ảnh Minh Vỹ
Nguyễn Văn Long (giữa) trên bục nhận HCV cự ly 21km. Ảnh Minh Vỹ
Tại Đại hội TDTT toàn quốc cách đây 4 năm, thành tích của TTGL xếp ở vị trí 57 trong tổng số 66 tỉnh, thành, ngành tham dự. Trong khi đó 2 tỉnh láng giềng Đak Lak và Bình Định đứng ở vị trí thứ 26 và 28. 4 năm về trước nữa, tại kỳ Đại hội TDTT lần thứ IV (năm 2002), Gia Lai đoạt được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, xếp thứ 31/64 đơn vị. Nhưng thành tích trên là “ảo”. Bởi 2 chiếc huy chương vàng có được là nhờ công của cô gái người Hà Nội Nguyễn Ngọc Oanh mang về, dưới dạng chuyển nhượng vận động viên.
 
 
Còn bây giờ, dù Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI chưa kết thúc nhưng TTGL đã gặt hái được chuỗi thành tích khá ấn tượng: 5 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 10 huy chương đồng, tạm thời dẫn đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, cũng trong năm nay, TTGL lần đầu tiên đóng góp 2 vận động viên tham dự đấu trường ASIAD, đó là Nguyễn Khắc Nhân (Judo) và Nguyễn Thái Dương (bóng đá). 
 
 
Điều quan trọng là cả 5 chiếc huy chương vàng đoạt được thuộc diện “người thực, việc thực”. Trong đó có tới 4 huy chương vàng thuộc nhóm các môn tranh tài ở Olympic (3 môn Judo và 1 ở môn bán marathon).
 
 
Ở lĩnh vực thể thao quần chúng, trong năm 2010, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên chiếm tỷ lệ 23% dân số, số gia đình tập luyện thường xuyên đạt 18%... Đây là những con số cực kỳ ấn tượng. Hiện nay, công tác xã hội hóa thể thao ở các môn: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt… ở Gia Lai được Tổng cục Thể dục Thể thao đánh giá rất cao, nếu không muốn nói là mô hình điểm cho các địa phương khác học hỏi.
 
 
…Trong lòng người hâm mộ
 
 
Mặc dù số lượng và màu sắc những tấm huy chương mà TTGL đoạt được trên đấu trường cả nước chưa phải nhiều, nhưng quan trọng thành tích trên nằm ở môn bóng đá, điền kinh và môn bóng chuyền. Tiếng vang từ những bộ môn này mang lại vô cùng lớn.
 
 
Tăng Tuấn (18, HA.GL) tranh bóng với cầu thủ SLNA. Ảnh Minh Vỹ
Tăng Tuấn (18, HA.GL) tranh bóng với cầu thủ SLNA. Ảnh Minh Vỹ
Một vị lãnh đạo của ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai nói vui rằng, kể từ khi bầu Đức và bầu Pháp làm thể thao, mỗi khi ra ngoài tỉnh công tác, bỗng nhiên chúng tôi được xếp ngồi ở “mâm trên”, ngang hàng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
 
 
Cách làm thương hiệu của hai ông bầu trên không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh. Gia Lai được coi là một trong số ít địa phương trong cả nước có số lượng sân bóng đá cỏ nhân tạo nhiều nhất: Với 32 sân, với tổng số tiền đầu tư lên tới 10 tỷ đồng. Trong khi đó, theo các đồng nghiệp chúng tôi cho biết ở Bình Định chỉ có 5 sân, Đak Lak 6 sân, Kon Tum 3 sân.
 
 
Thành tích là vậy, song theo ý kiến của các chuyên gia, ngân sách đầu tư cho thể thao Gia Lai hiện nay còn hạn chế (khoảng 6 tỷ đồng). Muốn thể thao Gia Lai thực sự “cất cánh”, trước mắt cần đầu tư xây dựng sân tập điền kinh, nhà thi đấu, trường năng khiếu TDTT để ươm mầm cho tương lai… và cả tăng thêm kinh phí nữa.

Theo Báo Gia Lai