Gia Lai: Chủ động phòng- chống hạn ngay từ đầu vụ

24/11/2010 09:55 AM


Vụ Đông Xuân 2010-2011, theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Ia Pa là 6.055 ha cây trồng các loại, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực và là thế mạnh như: Lúa nước 2.995 ha, mì 900 ha, bắp lai 500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 680 ha, rau các loại 530 ha, thuốc lá 430 ha, mía trồng mới 250 ha...

Vụ Đông Xuân 2010-2011, theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Ia Pa là 6.055 ha cây trồng các loại, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực và là thế mạnh như: Lúa nước 2.995 ha, mì 900 ha, bắp lai 500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 680 ha, rau các loại 530 ha, thuốc lá 430 ha, mía trồng mới 250 ha...
 
 
Chuẩn bị gieo trồng sớm ở những vùng không chủ động nguồn nước tưới. Ảnh A.K
Chuẩn bị gieo trồng sớm ở những vùng không chủ động nguồn nước tưới. Ảnh A.K
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, tình hình thời tiết trong thời gian đến diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ Đông Xuân. Tính đến thời điểm này, vùng Đông Nam tỉnh chưa có mưa lớn, mực nước tại các sông, suối thấp hơn mọi năm. Mặt khác, tại huyện Ia Pa, các công trình thủy điện trên dòng sông Ba và suối Đak Pi Hiao đã chặn dòng tích nước làm cạn kiệt nguồn nước tưới cho cây trồng vùng hạ lưu. Ia Pa là địa phương dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất và có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân tới. 
 
 
Hiện tại, chỉ có các cánh đồng lúa nước của 2 xã Ia Trok và Ia Ma Rơn chủ động được nguồn nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, còn những cánh đồng của các xã khác chủ yếu phụ thuộc nguồn nước tưới từ sông Ba và suối Đak Pi Hiao. Hiện nay, trên sông Ba, thủy điện An Khê-Ka Nak, thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A đã chặn dòng làm cho trạm bơm điện Ma Năng 2 (xã Kim Tân), trạm bơm Ia Kdăm, Plei Toan (xã Ia Kdăm), trạm bơm Chư Mố 1, Chư Mố 2, Chư Mố 3 (xã Chư Mố) bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.
 
 
Còn trên suối Đak Pi Hiao, thủy điện Đak Pi Hiao chặn dòng làm cho trạm bơm điện: 1 và 2 xã Pờ Tó, 1 và 2 xã Chư Răng và trạm bơm 1 xã Kim Tân không còn nước tưới cho cây trồng. Trước khi thủy điện này chặn dòng, hơn 130 ha lúa của 3 xã trên chủ yếu sử dụng nguồn nước từ dòng suối này.
 
 
Từ thực tế trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã xây dựng kế hoạch sản xuất Đông Xuân cụ thể cho từng xã nhằm hạn chế thiệt hại do hạn cuối vụ gây ra. Theo kế hoạch, huyện đã chỉ đạo cho các xã không chủ động nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước sông Ba và suối Đak Pi Hiao tiến hành sản xuất sớm với phương châm: Cuối nguồn gieo sạ sớm, thượng nguồn gieo sạ sau.
 
 
Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND huyện đã trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ một phần tu bổ, sửa chữa các trạm bơm điện, công trình thủy lợi; chỉ đạo cho các trạm bơm, các hợp tác xã tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước tích vào các ao, hồ, đồng thời đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để cải tạo, hạ ống hút của các trạm bơm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng khuyến cáo và nghiêm cấm người dân gieo sạ lúa trên phần diện tích không chủ động được nguồn nước, vận động nhân dân chuyển diện tích đất sản xuất lúa nước thường xuyên xảy ra hạn cuối vụ sang trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày.

Theo Báo Gia Lai