Gia Lai: Du lịch văn hóa- Tiềm năng còn bỏ ngỏ…

12/11/2010 07:46 AM


Du lịch văn hóa là một loại hình đang thu hút khá nhiều khách nước ngoài vì nó chú trọng nhiều đến yếu tố con người, các hiện tượng, sự vật do con người tạo dựng và đặc biệt chính là nét văn hóa độc đáo như những sinh hoạt cộng đồng, phong tục tập quán, lễ hội, thói quen hàng ngày.

Du lịch văn hóa là một loại hình đang thu hút khá nhiều khách nước ngoài vì nó chú trọng nhiều đến yếu tố con người, các hiện tượng, sự vật do con người tạo dựng và đặc biệt chính là nét văn hóa độc đáo như những sinh hoạt cộng đồng, phong tục tập quán, lễ hội, thói quen hàng ngày.
 
 
Nguồn tài nguyên văn hóa này ở Gia Lai khá phong phú, đa dạng, độc đáo và phần lớn đều có khả năng đưa vào khai thác phục vụ cho các đối tượng khách du lịch có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan. Đó là những di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, làng kháng chiến Stơr, chiến thắng Plei Me, Bến đò A Sanh... Đó là những kiến trúc nghệ thuật của chùa Minh Thành; các di chỉ thời đồ đá; những trường ca của tộc người Bahnar, Jrai; các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm mang bản sắc Tây Nguyên; kế đó là tập tục, lối sống, tín ngưỡng, ẩm thực và các lễ hội dân gian…
 
 
Lễ hội Tây Sơn tại đình An Lũy-An Khê. Ảnh: Minh Khôi
Lễ hội Tây Sơn tại đình An Lũy- An Khê. Ảnh: Minh Khôi
Các nguồn tài nguyên văn hóa này hầu hết nằm ở khu vực quần cư, gắn liền với cuộc sống bình thường của người dân, với những sinh hoạt cộng đồng nên khi được quy hoạch, khai thác thành khu, điểm du lịch thì người dân sống quanh đó sẽ được hưởng lợi và các tài nguyên được khai thác sẽ có kinh phí bảo tồn, tái tạo và phát huy các giá trị đích thực của nó góp phần vào công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của tỉnh.
 
 
Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát triển các thế mạnh văn hóa của tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đối với văn hóa vật thể, do nguồn kinh phí cho bảo tồn, tôn tạo thấp, việc xã hội hóa cho loại hình này chưa nhiều trong khi kinh tế của tỉnh chưa phát triển. Đối với văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar thì đang bị mất dần do  tác động của đô thị hóa, môi trường sống của các buôn làng thay đổi theo thời gian, trong khi ngành Văn hóa chỉ đủ kinh phí tổ chức vài cuộc liên hoan hoặc hội thi ở cấp tỉnh hoặc huyện cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh hàng năm.
 
 
Việc khai thác loại hình du lịch văn hóa tạo ra nhiều thuận lợi, ít bị chi phối bởi tính thời vụ, thời tiết, nó có thể diễn ra quanh năm đối với tài nguyên văn hóa vật thể và nó có thể chắt lọc để phục dựng lại đối với các loại hình văn hóa phi vật thể nên các nhà đầu tư du lịch chỉ cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ du lịch và đặc biệt là giao thông để du khách dễ tiếp cận các khu, điểm du lịch văn hóa.
 
 
Nêu những tiềm năng và một vài đặc điểm của loại hình du lịch văn hóa của Gia Lai để thấy được rằng các tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh khá dày và rộng khắp. Tuy nhiên để phát triển được loại hình này một vấn đề đặt ra là chính sách ưu đãi trong đầu tư, sự thống nhất trong quy hoạch giữa cơ quan quản lý văn hóa và quản lý du lịch, giữa sự phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên văn hóa.

Theo Báo Gia Lai