Dạy tiếng Bahnar, Jrai cho học sinh TH vùng DTTS: Bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ

11/11/2010 07:27 AM


Được đưa vào triển khai rộng rãi tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số từ 3 năm nay, chương trình dạy tiếng Bahnar, Jrai đã thực sự giúp cho học sinh vượt qua được tâm lý tự ti, nhút nhát, tiếp thu bài học nhanh hơn. Tại huyện Phú Thiện (Gia Lai), chương trình này đã được học sinh đón nhận một cách hào hứng.

Được đưa vào triển khai rộng rãi tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số từ 3 năm nay, chương trình dạy tiếng Bahnar, Jrai đã thực sự giúp cho học sinh vượt qua được tâm lý tự ti, nhút nhát, tiếp thu bài học nhanh hơn. Tại huyện Phú Thiện (Gia Lai), chương trình này đã được học sinh đón nhận một cách hào hứng.
 
 
Lớp 4A- Trường Tiểu học Nay Der, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) với 20 học sinh bỗng chốc trở nên sôi nổi hơn khi bước vào tiết học tiếng Bahnar. Ở một ngôi trường có đến hơn 95% học sinh người Bahnar thì đây là một chương trình được đánh giá hết sức thiết thực khi mà lâu nay ngôn ngữ luôn là một rào cản lớn.
 
 
Học sinh lớp 5B-Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Pia, huyện Phú Thiện) hào hứng với phần thảo luận nhóm trong một tiết học tiếng Jrai với phần hướng dẫn của thầy giáo Nay Đơn. Ảnh: P.D
Học sinh lớp 5B-Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Pia, huyện Phú Thiện) hào hứng với phần thảo luận nhóm trong một tiết học tiếng Jrai với phần hướng dẫn của thầy giáo Nay Đơn. Ảnh: P.D
Theo đánh giá của nhiều thầy cô, tương tự như việc học sinh người Kinh cần học tốt tiếng Việt trước khi học một ngôn ngữ khác, học sinh vùng dân tộc thiểu số cũng sẽ tiếp thu tiếng Việt và chương trình học phổ thông tốt hơn nếu trước đó được học tiếng mẹ đẻ. Do đó, với các học sinh lớp 4A- Trường Tiểu học Nay Der, giờ học chính tả trở nên gần gũi hơn rất nhiều; học sinh nhanh nhảu ghi từng chữ lên chiếc bảng con sau khi nghe thầy đọc to vài lần.
 
 
Em Kpă Thân bẽn lẽn nói: “Em thích học tiếng Bahnar vì… dễ học”. Thầy Siu Grư trao đổi: “Là giáo viên người Jrai nhưng phải dạy tiếng Bahnar nên tôi phải học hỏi thêm rất nhiều; ngoài ra vừa dạy, giáo viên vừa phải điều chỉnh một chút cho hợp với phương ngữ do sách được soạn theo tiếng Bahnar ở Kon Tum”. Tuy nhiên, điều vui nhất đối với anh là học sinh luôn hào hứng trong mỗi tiết học và tiếp thu rất nhanh. 
 
 
Còn tại Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Pia (huyện Phú Thiện), nơi có trên 50% học sinh người Jrai, tiết học tiếng Jrai cũng là những tiết được đánh giá là sôi nổi nhất. Thầy giáo Nay Đơn nhanh chóng cho thấy sức hấp dẫn của một tiết học tại lớp 5B. Cả 35 học sinh bị cuốn hẳn vào tiết học bởi lối dạy hài hước, nhẹ nhàng, nhiều em còn mạnh dạn lên tiếng “sửa sai” giúp thầy khi thấy thầy… ghi sai một âm trên bảng. Học sinh càng hưng phấn, chủ động hơn khi được thầy cho chia nhóm, thảo luận để đặt câu với những từ mới học.
 
 

Việc dạy tiếng Bahnar, Jrai cho học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh được tiến hành dạy thực nghiệm 10 năm (1997-2007) và đưa vào triển khai dạy đại trà từ năm 2008. Chương trình được dạy 3 tiết/tuần bắt đầu từ lớp 3, tính điểm trung bình vào kết quả học tập chung như những môn học khác. Đến nay, toàn tỉnh có 97 Trường Tiểu học tổ chức dạy tiếng Bahnar, Jrai cho 10.093 học sinh.

“Gần như các em vừa học vừa chơi nên giờ học rất hào hứng, việc chia nhóm cũng giúp những em nhút nhát tiến bộ nhanh hơn”- thầy Nay Đơn nói. Siu H’Nuin- một học sinh của lớp, cho biết em được học tiếng Jrai đã 3 năm và rất thích vì “trong sách có nhiều chuyện cổ tích rất hay”. H’Nuin khoe điểm kiểm tra giữa học kỳ vừa rồi của em ở môn học tiếng Jrai được đến 9 điểm. Tuy nhiên, với những lớp có học sinh người Kinh, các em có quyền chọn học hoặc không học tiếng Jrai, Bahnar.
 
 
Nhận xét về ảnh hưởng tích cực của chương trình dạy tiếng Bahnar, Jrai, ông Rơ Mah Xôn- Phó Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Phú Thiện, cho biết: “Qua 3 năm triển khai, có thể thấy đây là chương trình rất có lợi cho học sinh, giúp các em hiểu tiếng mẹ đẻ, từ đó cũng hiểu tiếng Việt tốt hơn, tiếp thu bài tốt và thực tế là kết quả học tập cũng được cải thiện hơn”.
 
 
Ông Phạm Văn Căn- Phó Trưởng ban Giáo dục Dân tộc (Sở Giáo dục- Đào tạo), cũng nhìn nhận khá lạc quan: “Chương trình đã đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành giao tiếp, giúp các em mở rộng những hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh và góp phần rèn luyện tư duy, từ đó học tốt tiếng Việt và các môn khác trong trường tiểu học”.

Theo Báo Gia Lai