Vụ “Học lớp 6 nhưng… mù chữ”: Xin thôi chức Hiệu trưởng nếu còn tình trạng “ngồi nhầm lớp”

09/11/2010 07:49 AM


“Thật đáng xấu hổ!”- đó là nhận xét của ông Ksor Yin- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, Trưởng đoàn kiểm tra của Sở trong buổi làm việc tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa với Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và THCS Nay Der- hai đơn vị liên quan đến vụ “Học lớp 6 nhưng… mù chữ”.

“Thật đáng xấu hổ!”- đó là nhận xét của ông Ksor Yin- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai,  Trưởng đoàn kiểm tra của Sở trong buổi làm việc tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa với Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và THCS Nay Der- hai đơn vị liên quan đến vụ “Học lớp 6 nhưng… mù chữ”.
 
“Ngồi nhầm lớp” suốt nhiều năm
 
Tại buổi làm việc, ông Trần Đăng Khoa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, đơn vị đã “bàn giao” 115 học sinh vừa hoàn thành chương trình tiểu học cho Trường THCS Nay Der (trong đó có hơn 10% chưa đọc thông viết thạo, thậm chí có em mù chữ) thừa nhận những thông tin báo nêu là hoàn toàn chính xác. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”-ông nói. Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng việc để học sinh “ngồi nhầm lớp” không phải là do bệnh thành tích, bởi “nếu chạy theo thành tích thì năm học vừa qua làm sao trường có đến 7,9% học sinh lưu ban, trong khi theo kế hoạch phấn đấu của nhà trường thì con số này phải dưới 5%?”.
 
Một số khó khăn của nhà trường cũng được nêu tại cuộc họp: Học sinh vừa học vừa làm nương rẫy nên ít có thời gian chú tâm vào bài vở; nhiều gia đình thiếu quan tâm đến con em; khó khăn về ngôn ngữ; không có kinh phí đầu tư cho nâng cao chất lượng giáo dục… Đặc biệt, vì không có kinh phí để chi trả cho giáo viên dạy phụ đạo nên sau mỗi buổi học trường chỉ tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh 5-10 phút.
 
Ông Ksor Yin kiểm tra năng lực đọc-viết của em Siu H’Veng (bìa phải) tại Trường THCS Nay Der (Chư Mố, Ia Pa). Ảnh: P.D
Ông Ksor Yin kiểm tra năng lực đọc-viết của em Siu H’Veng (bìa phải) tại Trường THCS Nay Der (Chư Mố, Ia Pa). Ảnh: P.D
Còn thầy Rơ Mah Dúi- giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của em Siu H’Veng (một học sinh chưa đọc thông viết thạo được nêu trong bài phản ánh trước đó trên báo Gia Lai) cho biết thêm: Trong lớp nhiều em biết đọc nhưng đọc rất chậm, “học cái này quên cái kia”, do đó thầy thường sắp xếp ngồi chung bàn với những em khá để được kèm cặp thêm. Song, sự “kèm cặp” này không dừng ở lớp mà còn ở cả những buổi kiểm tra hoặc thi học kỳ, nhiều em chép bài của bạn nên dễ dàng có điểm qua các kỳ thi và lên lớp đều đều dù chưa đọc thông viết thạo!
 
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ củng cố công tác giáo dục, đặc biệt là ngay từ lớp 1 để tạo nền móng vững chắc cho học sinh ở các lớp và cấp học tiếp theo; đặc biệt là khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi giáo viên. Tuy vậy, chúng tôi cũng mong rằng các ban ngành, gia đình học sinh hỗ trợ thêm với nhà trường trong việc động viên con em học hành. Tôi xin hứa, nếu năm học này còn để xảy ra tình trạng “ngồi nhầm lớp” thì tôi sẽ xin thôi chức Hiệu trưởng!”- ông Khoa nói đầy quyết tâm.
 
Phụ đạo tiếng Việt cho học sinh… lớp 6
 
Trong buổi làm việc tại Trường THCS Nay Der, qua kiểm tra thực tế một vài học sinh lớp 6 đang học tại đây, ông Ksor Yin nhận xét: “Nhiều em viết được nhưng đọc chưa tốt lắm do tính nhút nhát”. Ông Võ Trí Hoàn- Hiệu trưởng Trường THCS Nay Der, đơn vị tiếp nhận số học sinh từ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi- than thở: “Chính vì nhiều em đọc chưa thông, viết chưa thạo nên giáo viên rất khó khăn trong giảng dạy. Nhưng các em có đủ khai sinh, học bạ và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Tiểu học thì trường không có lý do gì không nhận vào”.
 
Cũng theo ông Hoàn, kết quả khảo sát chất lượng đầu năm đối với lứa học sinh lớp 6 này rất đáng lo ngại: Ở môn Toán có đến 73% học sinh điểm kém (dưới 3,5 điểm), còn môn Văn là 76,5%! Rơi vào thế “bị động”, song nhà trường cũng đã kịp đề ra biện pháp khắc phục là tổ chức phụ đạo tiếng Việt cho số học sinh này 3 tiết/tuần để giúp các em theo kịp chương trình. Đi cùng đoàn kiểm tra và tận mắt chứng kiến thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Đào Lâm- Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Pa, cho biết: “Phòng ghi nhận những thông tin này và sẽ cố gắng để làm sao đừng vì thành tích mà đưa các em lên lớp không thực chất. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng bàn thảo tìm ra những giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng này”.
 
“Thật đáng xấu hổ!”- là câu nói mà ông Ksor Yin đã phải thốt lên trong đợt kiểm tra này. “Trước đây, trong khó khăn, trong chiến tranh người ta đã xóa mù từ lớp 1, nay đến lớp 6 mới xóa mù. Để xảy ra một việc như vậy chúng ta có buồn không?”-ông Yin chua xót nói.
 
Tại buổi làm việc, ông Ksor Yin đã yêu cầu các trường cần quan tâm hơn, phối hợp tốt hơn với gia đình để động viên học sinh học tốt hơn; nắm chắc hoàn cảnh và học lực từng học sinh; trong các kỳ thi và các bài kiểm tra cần làm nghiêm túc chứ không du di; những học sinh nào không đủ điều kiện lên lớp thì sẵn sàng cho lưu ban. “Đừng nghĩ cho học sinh lên lớp là thương học sinh, mà như thế chính là hại học sinh”- ông Yin cảnh báo.

Theo Báo Gia Lai