Giải quyết di dân tự do cần thấu tình đạt lý

03/11/2010 06:21 AM


Từ tháng 4-2010 đến nay, nhiều hộ dân từ một số tỉnh thành trong cả nước đã tự ý đến sinh sống trên địa bàn biên giới thuộc xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Để đảm bảo an ninh trật tự- an toàn xã hội, các cấp chính quyền đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền để di dời số dân này nhưng gặp nhiều vướng mắc.

Từ tháng 4-2010 đến nay, nhiều hộ dân từ một số tỉnh thành trong cả nước đã tự ý đến sinh sống trên địa bàn biên giới thuộc  xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Để đảm bảo an ninh trật tự- an toàn xã hội, các cấp chính quyền đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền để di dời số dân này nhưng gặp nhiều vướng mắc.
 
 
Từ tháng 4 đến tháng 7-2010 có đến 34 hộ từ các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai kéo về Ia O (huyện Ia Grai) để tìm kế sinh nhai. Số hộ đến đây hộ ít thì có 4 người (hai vợ chồng, 2 con), nhiều thì tới 6 người (gồm cả cha mẹ già).
 
 
Cuộc sống của họ chủ yếu là đánh bắt cá trên sông Sê San, mang ra chợ bán. Khi số lượng dân đến ở đông, thấy môi trường nước thuận lợi họ đầu tư nuôi cá lồng. Giống cá được mang từ quê nhà lên. Tiền bán đất, bán nhà họ đầu tư mua các vật dụng lồng bè để nuôi cá, thuyền để đi lại. Những hộ dân này sống với nhau như một làng, có hộ mở hàng tạp hóa ngay tại nơi mình ở.
 
 
Các hộ sinh hoạt tại khu nhà của Ban Điều hành Thủy điện Sê San 4 cũ. Ảnh: N.L
Các hộ sinh hoạt tại khu nhà của Ban Điều hành Thủy điện Sê San 4 cũ. Ảnh: N.L
Họ di cư đến đây gần nửa năm, đã có những đứa trẻ được sinh ra tại đất này. Mọi sinh hoạt của họ dường như đã đi vào ổn định.
 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Khiếu- Bí thư, kiêm Chủ tịch xã Ia O cho biết: Đầu tháng 4, khi có hai hộ đến cư trú làm nghề đánh bắt cá, chính quyền địa phương có cấp giấy tạm trú cho họ. Nhưng khi số lượng các hộ ngày một đông không thể kiểm soát, chính quyền đã cho mời các hộ đến để tuyên truyền, giải thích, vận động họ tự giác chuyển đi. Qua quá trình vận động, một số hộ đã hồi cố hương, một số hộ vẫn quyết bám trụ.
 
 
Tháng 8, chúng tôi có dịp tiếp cận các hộ trên tại các căn nhà của Ban Điều hành Thủy điện Sê San 4, một số người cho biết: Hầu hết các gia đình ở đây sống bằng nghề nuôi cá lồng, số tiền ít ỏi bán nhà ở quê họ dồn mua giống và lồng bè nuôi cá, ghe thuyền đi lại. Bây giờ cá chưa đến kỳ thu hoạch, mang cá đi không được mà bán cũng không xong, lấy đâu ra tiền để đi. Cho nên họ quyết bám trụ nơi này chờ thu hoạch xong vụ cá sẽ di dời.
 
 
Ôngng Rơ Mah Bưh- Phó Trưởng Công an xã Ia O nói rằng: Sau khi vận động tuyên truyền, một số hộ đã bỏ về quê, số còn lại xuống ghe thuyền- nơi nuôi cá lồng dưới lòng sông Sê San ở tạm, chờ mấy ngày sau quay lại. Họ cứ lấy cớ là người Việt Nam nên ra sức cù nhầy gây khó khăn cho chính quyền. Qua kiểm tra giấy tờ, chúng tôi phát hiện một số người không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu.
 
 
Làm việc với địa phương, lãnh đạo huyện Ia Grai cho biết: Số người trên thuộc dạng di cư tự do, cư trú tại khu vực biên giới không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên qua nhiều cuộc họp, huyện xét thấy, họ đã thật sự đầu tư nhiều tiền của để nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Số cá chưa đến kỳ thu hoạch, nên cho tiến hành di dời ngay thì không hợp tình. Huyện đã quyết định du di cho họ đến cuối tháng 9-2010. Số hộ trên đã đồng ý.
 
 
Thời hạn đã qua, thế nhưng số hộ trên vẫn không tự nguyện thu xếp ra đi mà xin gia hạn đến Tết Nguyên đán. Huyện không đồng ý. Để thuận lợi cho việc di dời, đến hết ngày 10-11, các hộ trên phải tự thanh lý sản phẩm, bán tài sản để về quê. Huyện sẽ khảo sát lại xem số hộ nào thực sự khó khăn để có biện pháp hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn, tạo điều kiện cho họ về quê.
 
 
Trong tương lai, nếu kế hoạch quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản quanh khu vực lòng hồ Sê San 4 được tiến hành thì huyện cũng không cấm mà sẽ tạo điều kiện cho số người này quay trở lại làm ăn sinh sống nếu có đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nhân thân theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Gia Lai