Trăn trở từ vùng đất giàu tiềm năng

02/11/2010 09:56 AM


Chúng tôi đến Chư Pưh (Gia Lai) trong một ngày cuối tháng 10-2010. Khác với không khí buồn tẻ của những ngày đầu thành lập huyện, thị trấn Nhơn Hòa- trung tâm huyện- bây giờ là một công trường xây dựng.

Chúng tôi đến Chư Pưh (Gia Lai) trong một ngày cuối tháng 10-2010. Khác với không khí buồn tẻ của những ngày đầu thành lập huyện, thị trấn Nhơn Hòa- trung tâm huyện- bây giờ là một công trường xây dựng.
 
 
Tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện- Lưu Trung Nghĩa hồ hởi: “Nông dân được mùa bí đỏ nên rất phấn khởi. Thấy bà con vui, mình cũng thấy nhẹ nhõm phần nào”. Từ ngày thành lập (1-1-2010) đến nay huyện đã làm được một số việc đáng ghi nhận. Đó là việc đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm với khối lượng hoàn thành 17 tỷ đồng/24 tỷ đồng kế hoạch năm 2010. Quy hoạch xây dựng thị trấn Nhơn Hòa đã được phê duyệt. Tổng thu ngân sách nhà nước 77,1 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch tỉnh giao và đạt 76% kế hoạch của huyện. Sản xuất vụ mùa 2010 đạt kế hoạch.
 
 
Thu hoạch tiêu. Ảnh: K.N.B
Thu hoạch tiêu. Ảnh: K.N.B
Cùng với việc phát triển ổn định các loại cây công nghiệp dài ngày (hồ tiêu, cà phê, cao su), các loại cây lương thực, cây có củ, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày cũng từng bước khẳng định hiệu quả trên đất này… Mặc dù còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng có thể dự báo huyện Chư Pưh có thể kết thúc thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của năm đầu tiên “ra riêng”.
 
 
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy- Trần Bường thì “Nỗi lo canh cánh của anh em cán bộ chủ chốt ở đây là làm thế nào để định ra hướng phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương và xu thế chung hiện nay”. Vì vậy, lãnh đạo huyện tập trung hoạch định một cách cụ thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2020.
 
 
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong một vài năm tới vẫn là quy hoạch, triển khai có hiệu quả nguồn vốn xây dựng cơ bản, tiến tới hoàn thiện nhà làm việc các cơ quan của huyện và mạng lưới giao thông. Trước mắt là đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị Nhơn Hòa, kết nối với khu dân cư xã Ia Le (được tỉnh quy hoạch thành thị trấn trong thời gian tới), tạo thành cụm kinh tế động lực của huyện.
 
 
Về lâu dài, huyện sẽ đề nghị tỉnh phê duyệt dự án nâng cấp các tuyến đường Chư Pưh- Chư Prông- Đức Cơ, Chư Pưh- Phú Thiện, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn… Cùng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huyện sẽ tích cực huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân, phấn đấu năm 2011 đưa tổng đầu tư phát triển trên địa bàn lên 230 tỷ đồng, UBND huyện cũng đang xúc tiến việc quy hoạch một cụm công nghiệp khoảng 30 ha tại khu vực xã Ia Le. Trong tương lai, đây là trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản mà mũi nhọn là cao su, cà phê, hồ tiêu, bông vải. Định hướng đến năm 2011, Chư Pưh sẽ trở thành điểm nhấn trong hành lang kinh tế Bắc-Nam dọc theo quốc lộ 14.
 
 
Về cơ cấu kinh tế, trước mắt huyện vẫn xác định nông nghiệp là yếu tố nền tảng để ổn định và phát triển. Trong cơ cấu nông nghiệp, cùng với việc mở rộng diện tích, thâm canh tăng năng suất cây lương thực, cây công nghiệp dài ngày vẫn là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.000 ha hồ tiêu, 2.000 ha cà phê và 4.500 ha cao su. Đến năm 2015, Chư Pưh sẽ phấn đấu mở rộng diện tích hồ tiêu lên 2.500 ha, cà phê lên 2.55 ha, cao su 7.500 ha.
 
 
Để cây hồ tiêu mang lại giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp và PTNT Chư Pưh sẽ tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân, kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hồ tiêu. Đối với cây cao su, ngoài việc tạo điều kiện triển khai các dự án chuyển đất lâm nghiệp và rừng nghèo sang trồng cao su, huyện khuyến khích nhân dân phát triển mô hình cà phê tiểu điền.
 
 
Mặc dù đã đi vào thế ổn định nhưng so với các địa phương khác, vùng đất vốn giàu tiềm năng Chư Pưh còn phải đối diện với không ít khó khăn. Được hình thành một cách tự phát nên vùng chuyên canh hồ tiêu, cà phê chất lượng không đồng đều, thường xuyên xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất. Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể, trong khi tiềm năng thủy lợi rất phong phú (suối Ia Hlốp, suối Ia Phang). Hệ thống giao thông nông thôn còn khó khăn, hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư…
 
 
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, trong điều kiện thực tế của một huyện mới thành lập, để khắc phục khó khăn và rút ngắn khoảng cách với “người anh em” Chư Sê thì rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh.

Theo Báo Gia Lai