Tổng điều tra hộ nghèo:Phấn đấu về đích đúng tiến độ

31/10/2010 05:45 AM


Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 là cuộc điều tra mang ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì thế, điều tra lần này đòi hỏi không chỉ cẩn trọng trong quá trình thực hiện mà còn phải khẩn trương để hoàn thành đúng tiến độ.

Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 là cuộc điều tra mang ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì thế, điều tra lần này đòi hỏi không chỉ cẩn trọng trong quá trình thực hiện mà còn phải khẩn trương để hoàn thành đúng tiến độ.
 
 
Theo kế hoạch, thời gian tổng điều tra bắt đầu từ ngày 21-9-2010 và kết thúc vào ngày 30-11-2010. Theo ghi nhận của chúng tôi, cuộc tổng điều tra có sự tham gia của cả hệ thống chính trị đội ngũ giám sát, điều tra viên có kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc tổng điều tra lần này thời gian triển khai khá ngắn, trong khi đó đối tượng điều tra lớn, thời gian điều tra thực tế tại các hộ chỉ gần 1 tháng mà yêu cầu đặt ra là phải điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo từ thôn, làng.
 
 
Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến
Đặc biệt kết quả điều tra xếp loại phải lấy ý kiến của người dân bình xét những hộ thuộc diện nghèo hay hộ cận nghèo. Mặt khác, tiêu chí hộ nghèo và hộ cận nghèo quá sát nhau, chênh lệch chỉ có 1.000 đồng. Ví dụ hộ nghèo ở khu vực nông thôn được tính có thu nhập là 400 ngàn đồng/hộ/tháng, còn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là 401 ngàn đồng/hộ/tháng. Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh sẽ không tránh khỏi yếu tố cảm tính trong quá trình điều tra. Do vậy, để đưa ra được con số chính xác về hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ rất khó. Có thể, chỉ chính xác ở thời điểm điều tra.
 
 
Quy trình điều tra lần này cũng khác lần trước. Quy trình cũ không yêu cầu điều tra viên phải điều tra toàn bộ các hộ dân trong khu vực điều tra, mà được phép nhận dạng nhanh để lập danh sách những hộ có khả năng nằm trong diện hộ nghèo để khảo sát cụ thể. Còn quy trình mới, yêu cầu điều tra viên phải có kỹ năng nhất định về trực giác, vì phải quan sát vào những vật dụng trong nhà của mỗi hộ để loại trừ dần, sau đó những hộ còn lại phải điều tra khảo sát cụ thể. Vì thế, đòi hỏi điều tra viên phải điều tra cụ thể, chi tiết, lấy căn cứ để bảo vệ chính kiến trong cuộc họp dân.
 
 
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Phạm Ngọc Thạch, đến nay, đa số các địa phương đều đã chuẩn bị tốt cho cuộc tổng điều tra. Công tác tập huấn cho điều tra viên ở cấp huyện, xã đều được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Theo quy trình, các điều tra viên sẽ chấm điểm những vật dụng trong gia đình để loại trừ dần. Sau khi đã phân loại hộ, các hộ còn lại điều tra viên tiếp cận với chủ hộ khi được chủ hộ đồng ý để xem xét hộ này thuộc diện nào: Nghèo hay cận nghèo. Khi điều tra viên công bố danh sách hộ đó thuộc diện nào thì phải được sự nhất trí của hộ đó, và còn đưa ra cuộc họp bình xét ở cấp thôn làng.
 
 
Trong thời gian điều tra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Cục Thống kê tỉnh sẽ phân công tổ chức đoàn giám sát về tận hộ, thôn, xã để giám sát việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để công tác này làm đúng quy trình, chính xác, tránh tình trạng có những hộ cố tình muốn là hộ nghèo hay cận nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
 
 

Theo Báo Gia Lai