Gia Lai: Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng

28/10/2010 07:33 AM


Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là loại hình du lịch mà cộng đồng địa phương tự kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự phát triển, quản lý hoạt động du lịch, trong đó phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng.

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là loại hình du lịch mà cộng đồng địa phương tự kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự phát triển, quản lý hoạt động du lịch, trong đó phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng.
 
 
Du lịch cộng đồng, một hướng đi để phát triển du lịch bền vững, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, bởi đây là một địa chỉ du lịch mới lạ do có những sản phẩm văn hóa, du lịch còn khá nguyên sơ.
 
 
Gia Lai là tỉnh có nguồn lực về loại hình này, với nhiều buôn làng có địa hình tuy khó khăn nhưng hấp dẫn bởi nơi ấy có nhiều sông suối  đẹp, nhiều ghềnh thác huyền ảo; và ngay bản thân nội tại của nhiều buôn làng cũng có những kho tàng văn hóa phong phú được thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ hội, các món ăn mang đậm bản sắc địa phương, những sản vật có thể trở thành những món hàng lưu niệm độc đáo.
 
 
Làng Ốp (TP. Pleiku)-một mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Đức Thanh
Làng Ốp (TP. Pleiku)- một mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Đức Thanh
Với loại hình này ngành Du lịch của tỉnh mới tổ chức được vài điểm như cộng đồng người Jrai có làng Phung, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah); làng Bloon, xã Chư Răng (huyện Ia Pa) và cộng đồng người Bahnar làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang). Tuy nhiên, dường như các công ty lữ hành chỉ lấy đó làm nền còn các hoạt động phục vụ khách du lịch khi đến với làng, nó mang tính lập trình cho một kịch bản sắp sẵn và cho một nhóm người nhất định nên chương trình vừa đơn điệu  không thu hút được khách tham quan đến với làng lần thứ hai, đặc biệt, dân làng khá thờ ơ với đoàn khách du lịch, do họ không được hưởng lợi gì từ đoàn khách.
 
 
Chính vậy nên cơ sở vật chất được đầu tư cho làng phục vụ du lịch bị xuống cấp. Còn các “tài nguyên” văn hóa khác vốn dĩ các làng này có nhiều như: Tượng mồ, nhà mồ, bến nước, các nghề truyền thống cũng đang bị mai một vì không được bảo tồn. Đặc điểm của DLCĐ là loại hình du lịch mà người dân trong buôn làng được tham gia cùng các công ty lữ hành ngay từ đầu và cả trong suốt quá trình đoàn du lịch lưu trú tại làng. Mọi dịch vụ phục vụ cho quá trình hoạt động du lịch mang lại cho họ hiệu quả kinh tế nhất định, như đánh cồng chiêng phục vụ đoàn; bán hàng thổ cẩm, hàng tre nứa… để khách lưu niệm; dịch vụ ẩm thực: Cơm lam, cà đắng, rượu cần, gà nướng, thịt nướng và ngay cả khâu lưu trú trong nhà của họ… tức là cần giao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư buôn làng, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia tổ chức quản lý, đảm nhận các hoạt động du lịch.
 
 
Muốn phát triển bền vững loại hình DLCĐ, ngành Du lịch tỉnh nên có những biện pháp như: Tổ chức cho một số cán bộ nhân dân vùng quy hoạch đi tham quan học hỏi tại những bản làng vùng núi phía Bắc nước ta hoặc như Bản Đôn (tỉnh Đak Lak) đang phát triển loại hình DLCĐ và đã thu được những thành công nhất định; quy hoạch các buôn làng có thể phát triển thành làng DLCĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là những buôn làng hội đủ các yếu tố về tài nguyên du lịch, có đường giao thông thuận lợi, chủ yếu là những buôn làng nằm trên các tuyến du lịch để tạo ra những tour du lịch hợp lý; bảo đảm an toàn cho khách du lịch lưu trú qua đêm; nâng cao nhận thức cho người dân ở những điểm nằm trong quy hoạch bằng hình thức tập huấn để họ thấy được vai trò và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch mà họ đang nắm giữ.
 
 
Tuyên truyền, quảng bá xúc tiến loại hình DLCĐ trong xu thế hiện nay đến các điểm trong quy hoạch, các công ty lữ hành, các tỉnh bạn và các thị trường mục tiêu, từ đó có chính sách marketing phù hợp. Có kế hoạch xuất bản các ấn phẩm quảng bá, các bộ phim tư liệu, phim phóng sự giới thiệu các làng DLCĐ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Gia Lai