Cây xanh Phố núi

23/10/2010 12:31 PM


Cây xanh là một thành phần quan trọng của cuộc sống con người, nhất là ở các đô thị. Trong ký ức của nhiều người, Pleiku trở nên thân thương, huyễn hoặc, thơ mộng là vì những con đường-chiếc võng đu đưa, sương mù bảng lảng vấn vít tháp chuông nhà thờ, tán cây cổ thụ

Cây xanh là một thành phần quan trọng của cuộc sống con người, nhất là ở các đô thị. Trong ký ức của nhiều người, Pleiku trở nên thân thương, huyễn hoặc, thơ mộng là vì những con đường-chiếc võng đu đưa, sương mù bảng lảng vấn vít tháp chuông nhà thờ, tán cây cổ thụ. Âm nhạc Phạm Duy và lời thơ Vũ Hữu Định sở dĩ còn được nhiều người nhớ đến bây giờ là vì nó đã khắc họa sống động, thành công nét đẹp như kỷ niệm ấy của Pleiku.
 
 
Trải theo thời gian, Pleiku đã khác trước rất nhiều. Nhiều công trình đồ sộ, quy mô mọc lên, phố phường đã không còn “đi dăm phút đã về chốn cũ” nữa. Vẻ khang trang, hiện đại thấy rõ. Nhiều lợi ích từ sự đổi thay, hiện đại cũng không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng ấy, Pleiku cũng đã phải trả giá đắt. Đường sá đào bới lung tung, nham nhở, không gian cảnh quan và kiến trúc của một đô thị miền núi cao nguyên gần như bị phá vỡ, làm mất đi bản sắc.
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Đau đớn hơn là do chủ quan, nóng vội, “lá phổi xanh” Pleiku đã bị xâm hại một cách tàn nhẫn, nhất là khi quy hoạch xây dựng một số công trình công cộng. Ngày trước suốt một dọc dài từ ngã ba Hoa Lư đến Bưu điện tỉnh khung cảnh như một lâm viên, cây xanh rất nhiều. Vậy mà chỉ sau mấy chục năm giờ đây đếm lại còn được mấy cây cổ thụ? Đáng trách ở chỗ, người ta không chịu tính toán và chú trọng giữ lại cây xanh cho công trình, cho thành phố, hễ thấy “vướng” là “chặt, là đốn”, thành ra sau một thời gian ngoảnh lại thấy rừng chẳng còn mà cây cũng không mấy.
 
Một thời kỳ cây bàng được người ta trồng ở khắp nơi. Một số tùy bút rất hay về những cây bàng cổ thụ ở Hà Nội mà tôi may mắn đọc được. Nó thường đứng lẻ loi ở một góc phố nào đó, hay trong các đình chùa, miếu mạo. Nhưng để có những cây bàng kỷ niệm và độc đáo như một phần của Hà Nội làm nao lòng người “bản xứ”, làm nao lòng du khách đó, chắc chắn sẽ không dễ có ở Pleiku này. Cây bàng xuất hiện rất nhiều trên các con đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Văn Trỗi... Không rành bộ cây có ích có thể trồng trong các đô thị gồm những cây gì nhưng sau một thời gian, tôi thấy cây bàng ở ta lớn nhanh, cành khỏe, tán rộng. Duy có điều nó bị bệnh rầy, nấm rất dữ, cả cây bằng lăng cũng vậy. Đáng ngại là do không quy hoạch bài bản nên nhiều hàng bàng (như trên đường Trần Hưng Đạo, một số đoạn đường Hùng Vương) lại trồng dưới đường dây điện cao thế! Là giống cây nhanh lớn nên chẳng mấy chốc đã thấy nó “bá vai” với đường dây điện, dễ gây nguy hiểm cháy nổ, nhất là trong mùa mưa bão.
 
 
Rồi lại thấy ngành chức năng đi “thu dọn” cây bàng, trồng lại bằng cây bằng lăng, hoa sữa, xà cừ... Đất này hoa sữa cũng phát triển tốt, lên rất nhanh, chẳng mấy chốc sum suê cành lá. Là cây thân thảo nên dù không nằm trong vùng chịu ảnh hưởng mưa bão trực tiếp nhưng mỗi khi có gió lớn là cây bị tước cành, đổ ngã rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại. Hoa sữa nặng mùi, lại trồng ở khắp nơi nên một số người cảm thấy đầu óc váng vất mỗi khi mùa hoa trổ bông.
 
 
Gần đây, thành phố đưa vào trồng đại trà cây thông, như một sự “ăn năn” muộn màng vì đã từng rẻ rúng nó. Hơn 3 ngàn cây thông đã được trồng trên các tuyến phố chính. Ngặt nỗi thời điểm trồng mới lại gặp mấy cơn bão nên nhiều cây đổ ngã, trốc gốc thảm thương. Số chết không nói, số được chằng chống trở nên xiêu vẹo, yếu ớt. Hình ảnh ấy vô tình gợi lại niềm đau về những bóng thông hiên ngang, vút cao, cổ thụ, từng là niềm tự hào, kiêu hãnh của thành phố này. Thông, giờ đây được ưu tiên số một trên các ngã đường thành phố, có muộn nhưng còn hơn không.
 
 
Mong là đừng có “tàn sát” cây xanh thành phố một cách vô tội vạ. Cây xanh trồng mới cũng nên đi vào thực chất, đừng có đếm cây lấy thành tích. Càng không nên lặp lại tình trạng “thử-nghiệm-cây-cối” trong thành phố như đã từng xảy ra. Mười, mười lăm năm nữa, Pleiku rồi sẽ rợp bóng cây xanh, bóng thông mê đắm. Hãy tin như thế. Cứ nhìn đồi thông rợp mát quanh Biển Hồ chỉ vừa mới trồng đây thôi mà đã rợp mát là có cơ sở để củng cố niềm tin trong mình.

Theo Báo Gia Lai