Gia Lai: Đưa công nghệ thông tin vào trường mầm non

14/10/2010 07:52 AM


Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Phòng Giáo dục- Đào tạo TP. Pleiku tổ chức thí điểm đưa phương pháp giảng dạy bằng đèn chiếu vào 3 trường Mầm non: 30-4, 3-2 và 19-8. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi tại tỉnh ta.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Phòng Giáo dục- Đào tạo TP. Pleiku tổ chức thí điểm đưa phương pháp giảng dạy bằng đèn chiếu vào 3 trường Mầm non: 30-4, 3-2 và 19-8. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi tại tỉnh ta.
 
 
Đèn chiếu: Kéo gần thực tế cuộc sống vào mỗi tiết học
 
 
Chiều 8-10, các bé ở lớp lá (5 tuổi) của Trường Mầm non Tư thục 30-4 (TP. Pleiku) có bài học đầu tiên về khám phá khoa học với đề tài “Vòng đời của bướm”. Sau những câu hỏi mào đầu như: “Con bướm có những bộ phận nào?” và gợi ý trả lời, cô giáo Phạm Thị Thu Phương bắt đầu bài giảng bằng đèn chiếu. Hàng chục cặp mắt của học sinh say sưa nhìn lên màn hình và vỗ tay mỗi khi thấy mấy chú bướm sặc sỡ đập cánh tung tăng bay lượn.
Tiết học đầu tiên với công nghệ thông tin của các cháu mầm non. Ảnh: P.D
Tiết học đầu tiên với công nghệ thông tin của các cháu mầm non. Ảnh: P.D
Sau bài học ngắn gọn, đơn giản về 4 giai đoạn trong vòng đời của bướm với những hình ảnh minh họa sinh động, cô Phương nhẹ nhàng đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức một lần nữa cho cả lớp. Những cánh tay bé xíu giơ lên tranh nhau trả lời và đều… trúng phóc.  Kết thúc bài học, cả lớp và cô giáo cùng hát to bài hát “Múa cho mẹ xem”: “Hai bàn tay của em đây em múa cho mẹ xem/Hai bàn tay của em như hai con bướm xinh xinh/Khi em giơ tay lên là bướm xinh bay múa/Khi em đưa tay xuống là con bướm đậu trên cành hồng”. Quả là một tiết học hết sức thú vị và lôi cuốn. Chính vì thế, bé Võ Hoàng Nam đã thay mặt các bạn trong lớp phát biểu một câu rất ngộ nghĩnh: “Đây là điều… quan trọng nhất mà con từng biết ở trường!”.

 
 
Cô giáo Thu Phương cho biết, để xây dựng được một bài giảng điện tử như trên, cô đã dành thời gian lên internet tìm kiếm thêm thông tin, hình ảnh minh họa, về kỹ thuật thì đã có Ban Giám hiệu hỗ trợ. Nhờ áp dụng CNTT, thực tế cuộc sống đã được “kéo” lại rất gần trong mỗi tiết học, giúp cho không chỉ có môn Khám phá khoa học mà những môn học khác như Âm nhạc, Toán, Văn học… cũng trở nên hết sức sôi nổi và dễ tiếp thu.
 
 
Kidsmart: Vừa học vừa chơi
 
 
Về nỗ lực trang bị CNTT “tận răng” bắt đầu từ cấp học nhỏ nhất, ông Hoàng Ngọc Luận-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, cho biết thêm: Đến nay, có khoảng 15/26 trường mầm non trên địa bàn TP. Pleiku đã trang bị máy vi tính nhằm giúp học sinh sớm làm quen và phát triển kỹ năng sử dụng máy tính. Có thể kể đến như các trường Mầm non: 19-8, 30-4, 3-2, 20-11, 1-6, 17-3…; thậm chí, Trường Mầm non Tư thục 18-11 mới vừa thành lập cách đây hơn 1 tháng cũng đã kịp sắm một dàn máy vi tính để phục vụ cho việc dạy và học. Chương trình được áp dụng cho các bé là chương trình Kidsmart.
 
 
Cô Trần Thị Thủy-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 3-2 (TP. Pleiku), lấy ra một vài đĩa VCD và giới thiệu: Chương trình Kidsmart gồm có rất nhiều chủ đề như: Ngôi nhà thông minh, Bút chì thông minh, Em tập tô màu, Sắc màu toán học… được nhà trường dạy cho các bé 5 tuổi đã 5 năm nay. “Đây vừa là những bài học, vừa là trò chơi bổ ích giúp các bé rèn trí nhớ, làm quen với những biểu tượng toán học sơ đẳng và những chữ cái, màu sắc, hình khối quen thuộc”. Cô Trần Thị Thanh Hải-giáo viên phụ trách phòng chức năng, là người hướng dẫn chung cho các bé mỗi khi có tiết học. Cô cho biết, phòng chức năng của  nhà trường hiện có 10  máy tính, “đa số các bé tiếp thu và thao tác rất nhanh vì ở nhà nhiều em cũng đã có máy, nhìn các cháu học một cách thích thú mà tôi cũng thấy vui lây”. Máy vừa khởi động xong là các bé đã ngồi ngay ngắn trước máy, mỗi máy 2 bé. Trên màn hình bắt đầu hiện ra những hình khối, màu sắc sống động phù hợp với nhận thức của trẻ, kèm theo đó là những lời yêu cầu lựa chọn hình khối và ghép hình. Say sưa nhìn màn hình, vừa rê chuột ghép các hình khối tam giác, chữ nhật, hình vuông thành một ngôi nhà, bé Đoàn Mai Phương (lớp lá 2) hào hứng nói: “Con thích chơi trò này lắm!”.
 
 
Ông Hoàng Ngọc Luận giải thích: “Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku rất chú trọng và thường xuyên tham mưu UBND TP. Pleiku dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học và trang-thiết bị, trong đó có bậc học Mầm non, bởi đây là bậc học hết sức quan trọng. Cùng với chủ trương phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, việc giúp các cháu làm quen với CNTT cũng là một cách để chuẩn bị tốt nền móng cho các cháu khi vào lớp 1 và những bậc học cao hơn”.

Theo Báo Gia Lai