Gia Lai: Những vùng có nguy cơ bị thiên tai

12/10/2010 07:28 AM


Tỉnh ta có 3 hệ thống sông chính là sông Ba (gồm cả sông Ayun), sông Sê San, và sông Ia Lốp, Ia Drăng (thuộc lưu vực sông Sêrêpôk). Trong đó có 2 hệ thống sông chảy về hướng Tây, riêng sông Ba chảy về hướng Đông, thuộc vùng Đông Trường Sơn. Sông Ba là dòng sông có lưu vực lớn nhất vùng Nam Trung bộ.

 
Tỉnh ta có 3 hệ thống sông chính là sông Ba (gồm cả sông Ayun), sông Sê San, và sông Ia Lốp, Ia Drăng (thuộc lưu vực sông Sêrêpôk). Trong đó có 2 hệ thống sông chảy về hướng Tây, riêng sông Ba chảy về hướng Đông, thuộc vùng Đông Trường Sơn. Sông Ba là dòng sông có lưu vực lớn nhất vùng Nam Trung bộ.
 
Ở Gia Lai, sông Ba chảy qua địa phận 4 huyện, 2 thị xã là Kbang, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, An Khê và Ayun Pa. Đây cũng là dòng sông có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở cho cư dân trên địa bàn.
 
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 9 đơn vị cấp huyện nằm trong vùng có thể bị thiên tai, với 31 xã phường, 2.021 hộ dân. Bao gồm: Krông Pa (8 xã), Ia Pa (3 xã), Ayun Pa (3 phường), Phú Thiện (7 xã), An Khê (2 phường), Kông Chro (4 xã), Chư Sê (1 xã), Chư Prông (2 xã). Trong các vùng có nguy cơ thiên tai, có 7 huyện thị ven lưu vực sông Ba bị đe dọa bởi việc sạt lở ven sông; 2 huyện có nguy cơ ngập lụt là Chư Sê và Chư Prông.
 
Theo khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 12 xã có các điểm dân cư thôn buôn nằm trong diện phải di dời cấp bách là: Ia Rsươm, Chư Rcăm, Ia Rsai, Chư Drăng (Krông Pa), Ia Broăi (Ia Pa), Đak Tơ Pang, Đak Kơ Ning (Kông Chro), phường Đoàn Kết, phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa), Ia Lâu, Ia Piơr (Chư Prông), xã Ayun (Chư Sê). Trong các năm qua, tỉnh đã triển khai tái định cư được 190 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai đe dọa; trong đó có 170 hộ dân buôn Hliên (xã Chư Drăng- Krông Pa) và 20 hộ dân xã Chư Răng (Ia Pa). Riêng xã Ayun, thuộc vùng ngập lụt của lòng hồ Ayun Hạ, có một số làng như Dlâm, Dung Dang, Hvax… Trước đây, tỉnh đã chuyển một số dân về tái định cư dưới vùng Ayun Hạ, về sau số dân này đã tự động chuyển nhà về ở chỗ cũ trong khu vực lòng hồ.
 
Ông cha ta từ ngàn xưa đã có câu: “Thủy, hỏa, đạo, tặc”, coi nạn thiên tai lũ lụt là hàng đầu. Ngày nay, trong Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”, thì vấn đề di dân vùng thiên tai là một trong 4 nội dung đầu tư và được nêu lên đầu tiên.
 
 
Tuy vậy ở Gia Lai, trong thời gian qua, việc xem xét bố trí dân cư vùng nguy cơ thiên tai sạt lở vẫn chưa được chú trọng đúng mức, kết quả tái định cư cho đối tượng dân này vẫn còn quá thấp (khoảng 10%). Một trong những nguyên nhân của hạn chế nói trên, có lẽ do tỉnh chưa có khảo sát xây dựng và phê duyệt quy hoạch cụ thể các vùng dân cư có nguy cơ thiên tai, làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Theo Báo Gia Lai