Khu vực phía Đông Gia Lai: Đối diện với khó khăn trong mùa mưa bão

11/10/2010 07:55 AM


Khu vực phía Đông tỉnh do địa hình đồi dốc, tập trung nhiều sông, suối nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt kéo dài gây thiệt hại lớn. Rút kinh nghiệm những năm trước, các huyện đã lập phương án phòng- chống và giảm nhẹ thiên tai song vẫn còn đó khó khăn khi thiếu các phương tiện, vật tư để kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố.

 
Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai do địa hình đồi dốc, tập trung nhiều sông, suối nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt kéo dài gây thiệt hại lớn. Rút kinh nghiệm những năm trước, các huyện đã lập phương án phòng- chống và giảm nhẹ thiên tai song vẫn còn đó khó khăn khi thiếu các phương tiện, vật tư để kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố.


Địa bàn các huyện phía Đông có sông Ba đi qua nên mỗi lần ở thượng nguồn có mưa lớn, nước sông dâng lên nhanh, các xã nằm ven sông thường bị lũ quét và ngập cục bộ. Cơn bão số 9 và 11 năm 2009 làm nước sông Ba dâng cao gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng tại khu vực này. Nhiều xã của huyện Kông Chro như: Đak Pling, Đak Sông, Đak Pơ Pho, Sơ Ró và xã Lơ Ku, Krong của huyện Kbang thì bị cô lập. Các phương án ứng cứu tại chỗ không thực hiện được, phải chờ chi viện của trên, nên hậu quả thật nặng nề.
 
 
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao, các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện-kinh phí, hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương). Ngay từ giữa năm 2010, các huyện đã lập phương án và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng ban chuẩn bị nhân lực, vật lực, túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Đồng thời tuyên truyền đến người dân nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian trước, trong và sau khi xảy ra bão lũ; tự giác tham gia cùng chính quyền bảo vệ các công trình thủy lợi và phòng- chống, ứng phó khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
 
 
Dù phương án đã được đưa ra, nhưng do thiếu kinh phí nên hầu hết các huyện đều đang giậm chân tại chỗ trong việc chuẩn bị phương tiện, vật tư để đối phó với những diễn biến bất thường của mưa bão. Ông Võ Văn  Hưng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT- Phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão huyện Kông Chro cho biết: “Do thiếu kinh phí nên huyện chưa thể sắm được các trang- thiết bị cần thiết như: Thuyền, áo phao, vật tư khác, khi xảy ra lũ cục bộ chắc phải trông chờ sự chi viện của trên…”.
 
 
Hiện nay, các huyện phía Đông đều không có ca nô chuyên dụng, khi xảy ra sự cố bất ngờ thì chỉ còn cách huy động thuyền đánh cá của người dân, trong khi năng lực ứng cứu và độ an toàn của loại phương tiện này không thực sự đảm bảo. Bên cạnh đó, ngân sách của các địa phương hạn chế nên việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để kịp thời chi viện cho nhân dân lúc cần cũng là nỗi quan ngại của các địa phương. Ông Nguyễn Trường- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: “Năm nay, ứng phó với thiên tai, chúng tôi đã mua sắm được một số trang-thiết bị cho Ban chỉ đạo, tuy nhiên phương tiện chuyên dụng khi phải di dời số lượng dân lớn, cơ sở vật chất để người dân trú ẩn, lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm phục vụ lâu dài thì vẫn rất thiếu…
 
 
Mặc dù các huyện đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin được cấp ca nô và phương tiện phục vụ cho công tác ứng phó với bão lũ nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Hiện nay, công trình thủy điện An Khê- Ka Nak, thủy điện Đak Sông (huyện Kông Chro) đã chặn dòng nhưng các đập điều hòa để điều tiết nước khi có mưa lũ vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, đặt các huyện phía Đông trong sự thấp thỏm lo âu trước nguy cơ lũ lụt.
 
 
Hậu quả từ mùa mưa lũ năm ngoái để lại quá nặng nề, khắc phục chưa xong. Để không lặp lại thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, phải vào cuộc ngay từ bây giờ!

Theo Báo Gia Lai