Quyết tâm xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững

04/10/2010 01:53 PM


Gia Lai, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Nhiệm kỳ 2005-2010, tuy còn không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tác động bất lợi của tình hình khu vực và quốc tế, song Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin
LTS: Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin có bài viết quan trọng cho Báo Gia Lai- Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Gia Lai, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Nhiệm kỳ 2005-2010, tuy còn không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tác động bất lợi của tình hình khu vực và quốc tế, song Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng, lãnh đạo thực hiện đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đề ra.
 
Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, GDP tăng bình quân 13,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng; thu ngân sách trên địa bàn vượt 3,2% so với mục tiêu Đại hội XIII đề ra, năm 2010 tăng gấp 2,65 lần so với năm 2005; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 13,5%/năm. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,8%, vượt 8,2% so với mục tiêu Đại hội XIII đề ra; chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, GDP bình quân đầu người năm 2010 gấp 2,82 lần so với năm 2005. Công tác quốc phòng- an ninh, đối ngoại được quan tâm, giữ vững được ổn định chính trị. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được phát huy. Hệ thống chính trị ở tỉnh được quan tâm củng cố; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước được nâng lên; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có hiệu quả hơn; vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được phát huy.
 
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức sinh động và đã thu được một số kết quả tích cực. Những thành tựu nói trên đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho Gia Lai phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
 
 
Nhiệm kỳ 2010-2015, mặc dù khó khăn, thách thức còn rất nhiều, nhưng đất nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội to lớn để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với thời cơ, vận hội chung của đất nước, Gia Lai ngày nay, mặc dù còn nghèo, nhưng với những lợi thế về vị trí địa lý và nhiều tiềm năng như là hệ thống giao thông khá đồng bộ, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp; phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, tiểu- thủ công nghiệp; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua. Do vậy, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh cần phải phát huy tinh thần tiến công mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và nâng cao tỷ trọng huy động GDP vào ngân sách nhà nước; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội thông qua một số giải pháp cơ bản sau:
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Một là, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, trước hết là quy hoạch sử dụng đất để phát triển các vùng cây công nghiệp có giá trị gắn với chế biến như cây cà phê, cao su, hồ tiêu…; phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững; chỉ đạo tốt việc xây dựng mô hình nông thôn mới, kinh tế phát triển và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu dựa trên lợi thế về chế biến nông- lâm sản, vật liệu xây dựng, thủy điện, khoáng sản; chú trọng các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư phát triển các ngành dịch vụ như tài chính, tín dụng- ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông, tư vấn, khoa học công nghệ, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo. Chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao lưu thương mại với nước bạn Campuchia.

 
 
Hai là, phát triển các lĩnh vực văn hóa- xã hội phải hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tập trung nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo. Triển khai ứng dụng có hiệu quả các nguồn lực về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện, nâng cao hiệu quả các chương trình y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa theo hướng văn minh gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và các giá trị văn hóa tinh thần mang nét đặc trưng của Gia Lai. Triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo với các giải pháp thiết thực, đồng bộ cả về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, tạo việc làm, tiếp cận thị trường; nâng cao khả năng tự vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân; phải bảo đảm lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án và nguồn lực ở từng địa bàn với sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng và cơ sở.
 
Thi  công đường Đông Trường Sơn động lực phát triển KT-XH các xã vùng sâu Gia Lai. Đ.T
Thi công đường Đông Trường Sơn động lực phát triển KT-XH các xã vùng sâu Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Ba là, thường xuyên kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Xây dựng khu vực phòng thủ toàn diện về mọi mặt trong tổng thể thế trận khu vực và cả nước trên cơ sở thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Hết sức coi trọng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng- chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy và phòng-chống tham nhũng, triển khai các biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, giữ được yên dân, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc cho quốc phòng- an ninh, cho sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 
 
Bốn là, tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lên ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới. Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Gia Lai phải được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ và có chất lượng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giáo dục đạo đức, nâng cao tính trung thực, khiêm tốn, nhân ái, nghĩa tình, ngăn chặn có hiệu quả sự sa sút phẩm chất đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo toàn diện đi đôi với chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước; sâu sát cơ sở, phát huy dân chủ và tính chủ động sáng tạo của cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; tăng cường sự gắn bó của Đảng với dân, củng cố và không ngừng nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
 
Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất đạo đức và nhiệt tình cách mạng cao. Phải làm trong sạch và nâng tầm trí tuệ đội ngũ cán bộ. Rà soát, bố trí lại đội ngũ cán bộ, kịp thời thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, phẩm chất, thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng. Đồng thời, phải trọng dụng nhân tài, xây dựng cơ chế phát hiện, đề bạt, bảo đảm dân chủ và tính tập thể trong công tác cán bộ. Ngăn ngừa tư tưởng cục bộ địa phương, áp đặt hoặc dân chủ hình thức trong việc tuyển chọn và bố trí cán bộ.
 
Việc “xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, bền vững” góp phần rất quan trọng cùng với các tỉnh vùng Tây Nguyên và cả nước tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm khá nặng nề, song với một tỉnh Gia Lai anh hùng trong kháng chiến, với truyền thống đoàn kết, với thành tựu và kinh nghiệm đã có; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
 

 

Hà Sơn Nhin
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy

Theo Báo Gia Lai