Về kinh tế trang trại ở Gia Lai Bài 2: Tháo gỡ khó khăn để phát triển

04/10/2010 07:41 AM


Kinh tế trang trại mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương là thực tế không ai phủ nhận. Song việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Kinh tế trang trại mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương là thực tế không ai phủ nhận. Song việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
 
 
Chư Pưh (Gia Lai)- vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu, nhiều hộ trồng tiêu với diện tích 3-4 ha, thu nhập mỗi năm 400-500 triệu đồng. Với diện tích và mức thu nhập đó, nông dân đủ điều kiện để đầu tư mở rộng, phát triển thành trang trại chuyên canh.
 
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh- ông Kpă Long, đến thời điểm này, huyện vẫn chưa có mô hình kinh tế trang trại nào được công nhận. Nông dân không muốn được công nhận trang trại để khỏi phải đóng thuế. Cơ chế đãi ngộ và nghĩa vụ chưa được xác định rõ ràng, nông dân không thể mạo hiểm mang tài sản ra thế chấp lấy tiền đầu tư phát triển trang trại, nghiên cứu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình chăm sóc cây trồng, tự thân tìm đầu ra sản phẩm như bao hộ nông dân khác, rồi lại “gánh” thêm vào mình khoản thuế thu nhập, thuế trang trại.
 
Trang trại nuôi cá sấu ở TP. Pleiku Ảnh: Đức Thanh
Trang trại nuôi cá sấu ở TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thanh
Vấn đề cơ chế đãi ngộ chưa rõ ràng, nhất là cơ chế đảm bảo đầu ra nông sản không chỉ hạn chế việc nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, mà còn tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của những trang trại đã được cấp giấy chứng nhận. Bản chất của kinh tế trang trại là làm nông nghiệp ở trình độ cao, nên đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Quy trình đầu tư để tạo ra sản phẩm luôn đối diện với rủi ro cao, vì vậy, việc ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho nông dân theo cơ chế bao tiêu sản phẩm do mô hình kinh tế trang trại làm ra được xem là một trong những yếu tố quyết định việc nông dân có “bung” vốn đầu tư đẩy mạnh tốc độ phát triển trang trại hay không.

 
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài một số nông sản như mía, cao su, cây lâm nghiệp tìm được đầu ra ổn định nhờ sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì phần lớn sản lượng hồ tiêu, cà phê, bắp lai, chăn nuôi, việc tiêu thụ vẫn phải phụ thuộc vào thương nhân, lợi nhuận mang lại cho nông dân hãy còn bấp bênh. Bà Nguyễn Thị An (huyện Đak Đoa) bộc bạch: Mấy năm gần đây, thời tiết thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cà phê, dịch bệnh gia súc liên tục xảy ra nên nuôi heo chỉ toàn lỗ, thu nhập bình quân từ trang trại cũng giảm đi. Tiền thuê nhân công cao, trong khi nhân lực tự có không đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, gia đình không có ý định đầu tư để mở rộng quy mô trang trại.
 
 
Vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại hiện nay cũng đang là bài toán khó. Các trang trại đều cần vốn đầu tư, và ngân hàng là một kênh hỗ trợ vốn quan trọng. Thế nhưng vốn vay được giải quyết dựa vào tài sản thế chấp có giới hạn, chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư, phát triển trang trại của nông dân. Thực tế trên đã lý giải vì sao trong tổng vốn đầu tư phát triển 2.208 trang trại là 561 tỷ đồng, thì nguồn vốn vay ngân hàng chỉ chiếm 16,6%. Trong khi đó, giấy chứng nhận kinh tế trang trại do chính quyền địa phương cấp lại không có giá trị pháp lý để thế chấp vay vốn. Chính vì vậy mà sự phát triển của trang trại trên địa bàn tỉnh thời gian qua phụ thuộc vào khả năng của nông dân, khả năng đến đâu đầu tư phát triển đến đó, dẫn đến quy mô trang trại không đồng đều. Có trang trại 2-3 ha, nhưng cũng có trang trại diện tích vài chục ha, thậm chí quy mô cả hàng trăm ha.
 
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Gia Lai- ông Nguyễn Quốc Minh cho rằng: Thiếu thông tin về thị trường cũng là một khó khăn trong định hình mô hình kinh tế trang trại. Làm kinh tế trang trại là phải đầu tư phát triển, song cứ vào giai đoạn cao điểm của quy trình đầu tư thì giá vật tư phân bón, xăng dầu lại tăng, trong đó có trường hợp giá phân bón nội địa bán cao hơn giá phân bón nhập khẩu. Lý do tăng giá được đưa ra là điều chỉnh theo giá thị trường, trong khi đó nông dân lại thiếu thông tin về sự việc này để có phương án dự phòng. Vì vậy, khi việc điều chỉnh chính thức có hiệu lực thì đã gây bất lợi cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, nông dân làm kinh tế trang trại chịu thiệt nhiều hơn vì nhu cầu sử dụng xăng dầu bơm tưới, vật tư phân bón lớn. Nếu những vướng mắc trên sớm được tháo gỡ sẽ thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển hơn nữa.

Theo Báo Gia Lai