Gia Lai với mục tiêu giảm nghèo bền vững

02/10/2010 10:10 AM


Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 29,82% năm 2005 xuống còn 10,82% năm 2010 (theo tiêu chí mới), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 29,82% năm 2005 xuống còn 10,82% năm 2010 (theo tiêu chí mới), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
 
 
Ông Nguyễn Văn Nông- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh, cho biết: Ngoài sự chỉ đạo của tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc đã đoàn kết phát huy các tiềm năng, nội lực, khắc phục khó khăn, gắn phát triển kinh tế với việc đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; huy động sức mạnh tổng hợp, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, các Chương trình 132, 134, 135, 168 và 167… giúp người nghèo. Ủy ban MTTQ hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Hội hỗ trợ làm nhà tình nghĩa; chương trình khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi như nuôi cá nước ngọt, trồng tre lấy măng, hỗ trợ bò cái sinh sản… đã góp phần giúp người dân có thêm điều kiện thoát nghèo.
 
Công trình nước sạch ở nông thôn. Ảnh: K.N.B
Công trình nước sạch ở nông thôn. Ảnh: K.N.B
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã triển khai các giải pháp xóa đói giảm nghèo. Hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, học tập, xuất khẩu lao động; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ… với tổng dư nợ trên 2.700 tỷ đồng. Các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Qua 5 năm, Chương trình 135 đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các xã, làng đặc biệt khó khăn, trung tâm cụm xã và bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ xã, thôn và cộng đồng, với tổng số tiền 575 tỷ đồng. Nhờ đó, 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã, 70% hộ dùng nước hợp vệ sinh, 95% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Riêng chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 167 đã và đang triển khai. Tính từ năm 2009 đến tháng 6-2010, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 1.849 hộ gia đình. Các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Đảng bộ tỉnh đã thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở, đưa cán bộ đại học về công tác ở cơ sở… Những việc làm tích cực này dần dần tác động lớn vào cuộc sống của người dân. Nhân dân đã ý thức hơn trong việc vươn lên thoát nghèo.
 
 
Tuy nhiên công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta vẫn chưa hết khó khăn. Các xã vùng sâu, vùng xa ở một số huyện như: Kông Chro, Krông Pa điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên đã hạn chế đến việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Số hộ tái nghèo còn cao. Ngoài ra, một số dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo còn đạt hiệu quả thấp…
 
Ông Nguyễn Văn Nông cho rằng, phải đặt nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời có sự phối hợp, lồng ghép chặt chẽ hơn nữa với các chương trình kinh tế-xã hội khác và có những biện pháp thực hiện phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền thông qua các đoàn thể chính trị, thông qua các mô hình khuyến nông, khuyến lâm trợ giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống để các hộ nghèo lân cận thấy được hiệu quả rồi học tập làm theo. Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có thêm động lực, điều kiện thoát nghèo.
 
 
Để công tác giảm nghèo bền vững, từ nay đến cuối năm 2010, Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh sẽ tổ chức khảo sát, thống kê từng địa bàn thôn, làng để rà soát lại hộ nghèo và có những giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Theo Báo Gia Lai