Gia Lai: Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chưa vững

30/09/2010 07:26 AM


Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2010 trên toàn tỉnh thực hiện được 120 triệu USD, đạt 75% kế hoạch và tăng 48,42%. Tỷ lệ tăng so cùng kỳ năm trước là khá lớn, tuy nhiên xuất khẩu đang phải đương đầu với bài toán khó đó là sự tăng trưởng thiếu bền vững.

Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2010 trên toàn tỉnh thực hiện được 120 triệu USD, đạt 75% kế hoạch và tăng 48,42%. Tỷ lệ tăng so cùng kỳ năm trước là khá lớn, tuy nhiên xuất khẩu đang phải đương đầu với bài toán khó đó là sự tăng trưởng thiếu bền vững.
 
 
Một số sản phẩm chủ lực đóng góp lớn vào kim ngạch của tỉnh như cà phê, gỗ tinh chế trong 9 tháng năm 2010 có mức tăng khá. Trong đó, cà phê xuất được gần 24.000 tấn, tương đương 34,3 triệu USD (tăng 17%); gỗ tinh chế đạt 13,4 triệu USD (tăng 13,4%) do giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh, cộng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp vào lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, các sản phẩm cũng trong “top” chủ lực như mì lát, tiêu, mủ cao su lại sụt giảm. Cụ thể, mủ cao su chỉ xuất được 8.000 tấn (giảm 27,66% so cùng kỳ); mì lát 72.608 tấn (giảm 13,73%)... Xuất khẩu mặt hàng gỗ tròn, tinh bột mì chưa “động tĩnh” gì trong khi kế hoạch năm đã gần kết thúc.
 
 
Theo đánh giá của Sở Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Điều này được lý giải với nhiều lý do như giá nội địa ổn định hơn giá xuất khẩu, các doanh nghiệp sợ rủi ro về tỷ giá; hay một số công ty đứng chân trên địa bàn gom hàng đưa kim ngạch về cho công ty “mẹ” ở địa phương khác nên thị phần mua hàng xuất khẩu bị thu hẹp, dẫn đến lượng hàng xuất không đủ theo hợp đồng; thị trường của đối tác co lại bởi nhu cầu nhập khẩu thành phẩm lớn hơn nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, trong khi mặt hàng xuất chủ lực của tỉnh ta đa phần là nguyên liệu...

 
 
Thực tế, tốc độ xuất khẩu những tháng gần đây liên tục được cải thiện và tăng dần, song so với sản lượng trên toàn tỉnh thì mức độ tăng trưởng còn khá khiêm tốn. Theo tính toán, sản lượng cà phê xuất khẩu hiện chỉ chiếm khoảng 1/3 sản lượng cà phê toàn tỉnh. Mặt hàng cao su cũng có sản lượng lớn khoảng trên 200.000 tấn, nhưng hàng năm cũng chỉ xuất được khoảng 15-20% sản lượng. Thị trường xuất khẩu mủ cao su chưa được mở rộng, mà chủ yếu là Trung Quốc và chỉ dừng lại ở sản phẩm sơ chế nên khi nhu cầu của đối tác giảm thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này gần như chững lại.
 
 
Tỉnh đã có nhiều chế độ đãi ngộ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu đối với những mặt hàng được xem là chủ lực, có thế mạnh; khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao nhằm vươn rộng thị trường ra các nước lớn. Bên cạnh đó, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo điều kiện về vốn, thị trường, thông quan, cải cách thủ tục hành chính... để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia. Song, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đó là việc doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng sản lượng chế biến, nâng cao thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường....
 
 
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai cố gắng lắm cũng chỉ đạt chỉ tiêu, rất ít năm hoàn thành vượt cao, và mức tăng khá thấp. Chính việc tăng trưởng thiếu bền vững đã làm cho kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn chưa ổn định và phát triển nhanh, trong khi tiềm năng, thế mạnh rất lớn. Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, các yếu tố khách quan bất lợi, hơn ai hết từng doanh nghiệp cần phát huy nội lực và khả năng của mình.

Theo Báo Gia Lai