Gia Lai: Cần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế

24/09/2010 07:21 AM


Từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay, công cụ chủ yếu để đo lường tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng về bản chất chỉ tiêu GDP bên cạnh những ưu điểm đã được thừa nhận, cũng có những mặt trái như: Không tính đến các hoạt động kinh tế là hủy hoại môi trường, gây bất bình đẳng về kinh tế ngày càng sâu sắc, thách thức tới nền tảng đạo đức xã hội...

Từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay, công cụ chủ yếu để đo lường tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng về bản chất chỉ tiêu GDP bên cạnh những ưu điểm đã được thừa nhận, cũng có những mặt trái như: Không tính đến các hoạt động kinh tế là hủy hoại môi trường, gây bất bình đẳng về kinh tế ngày càng sâu sắc, thách thức tới nền tảng đạo đức xã hội...
 
Từ năm 1996, Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chỉ ra 5 loại tăng trưởng xấu để các quốc gia tham khảo và nên tránh, đó là: Tăng trưởng không việc làm, tăng trưởng không lương tâm, tăng trưởng không tiếng nói, tăng trưởng không gốc rễ và tăng trưởng không tương lai.
 
Vì vậy, không nên đánh giá một cách mơ hồ về tăng trưởng kinh tế, coi mọi loại tăng trưởng cao đều là tích cực để liệt kê thành tích, mà quan trọng hơn là hiểu rõ và lựa chọn loại tăng trưởng nào có lợi nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và con người.
 
 
Lắp ráp hệ thống điện
Lắp ráp hệ thống điện
Các số liệu thống kê của Gia Lai gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,1%, giai đoạn 2006-2010 đạt 13,6% (có một phần do điều chỉnh nội dung tính toán thống kê) và 10 năm (2001-2010) đạt 12,3%. Số liệu này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Nhờ vậy mà GDP/người của Gia Lai so với mức bình quân chung của cả nước đã tăng từ 52% năm 2000 lên 62% năm 2009. Tỷ lệ hộ gia đình thuộc diện đói nghèo đã giảm khoảng 2/3. Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội và bộ mặt đô thị, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi đáng kể. Nhưng nếu so sánh với các tỉnh thành khác thì tốc độ tăng trưởng hàng năm của Gia Lai cũng không cao hơn.
 
 
Để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Gia Lai, trước hết hãy xem xét nguồn gốc của tăng trưởng. Ở đây dễ thấy một nghịch lý là tốc độ tăng trưởng GDP Gia Lai dù đã đạt mức tương đối cao trong hàng chục năm nhưng vẫn chưa thể coi là bền vững. Bởi lẽ, nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố đầu vào của sản xuất như: Lao động, vốn đầu tư trong nước, tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó yếu tố quan trọng nhất là năng suất tổng hợp của các nhân tố lại đóng góp không nhiều vào tăng trưởng kinh tế.
 
 
Phân tích số liệu các nhân tố đóng góp vào GDP cho thấy: Thời kỳ 2001-2010 yếu tố vốn đầu tư và lao động đã góp tới hơn 80-90% mức tăng trưởng kinh tế của Gia Lai, nhưng có sự thay đổi vị trí giữa 2 nhân tố này giữa thời gian 5 năm 2001-2005 và 2006-2010. Trong 10 năm (2001-2010), số lượng lao động làm việc tại Gia Lai tăng bình quân 4,2%/năm, gấp hơn 2,5 lần mức tăng lao động bình quân của cả nước.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Cũng cần thấy rằng, lao động tăng nhanh góp phần làm cho GDP tăng trưởng nhanh, nhưng đồng thời dân số cũng tăng nhanh làm cho mức GDP bình quân đầu người sẽ tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP và cũng tăng chậm hơn GDP bình quân đầu người ở các địa phương có tốc độ tăng dân số chậm. Lượng vốn đầu tư trong 10 năm trên địa bàn Gia Lai khoảng 44.591 tỷ đồng (theo giá thực tế), tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP theo giá so sánh luôn ở mức rất cao 58-74%, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư (theo giá so sánh) 10,85%/năm. Dường như chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP ở Gia Lai đã đạt "ngưỡng giới gạn" và không thể tăng hơn được nữa?
 
 
Nhân tố năng suất tổng hợp của các yếu tố chỉ đóng góp 10-18% mức tăng trưởng GDP Gia Lai. Hiệu quả sử dụng vốn tính bằng GDP tăng thêm (theo giá so sánh) so với vốn đầu tư (theo giá so sánh) hàng năm đã tăng từ 0,11 đồng năm 2001 lên 0,20 đồng năm 2005 và 0,21 đồng năm 2010, chủ yếu do các công trình thủy điện lớn, diện tích cây công nghiệp dài ngày, diện tích rừng trồng ở Gia Lai đã kết thúc thời kỳ xây dựng cơ bản, đi vào thời kỳ kinh doanh; tốc độ tăng năng suất lao động (tính bằng GDP giá so sánh) bình quân 7,8%/năm; mức năng suất lao động bình quân của Gia Lai hiện nay mới bằng khoảng 72% năng suất lao động trung bình của cả nước, chủ yếu do cơ cấu kinh tế còn lạc hậu và chuyển dịch chậm.
 
 
Nhìn tổng thể thì kinh tế Gia Lai vẫn là nền kinh tế khai thác tài nguyên thiên nhiên cùng với công nghiệp sơ chế và dịch vụ thông thường năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp là chủ yếu, các ngành công nghệ cao hầu như chưa có gì đáng kể, kể cả trong nông- lâm nghiệp.
 
 
Đầu tư xây dựng trường học. Ảnh: Đ.T
Đầu tư xây dựng trường học. Ảnh: Đ.T
Xét quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, trước hết vốn tài nguyên rừng bị tàn phá nghiêm trọng và hệ lụy của nó là lợi thế so sánh về mặt kinh tế mất dần, với khoảng trên dưới 800 ngàn ha rừng nhưng không đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tiêu dùng nội địa, không ít các cơ sở chế biến gỗ phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu; thu ngân sách nhà nước từ rừng hầu như không đáng kể từ nhiều năm nay. Cần ý thức sâu sắc rằng, đối với đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên, rừng không chỉ là nơi sản xuất, khai thác sản phẩm thiên nhiên phục vụ con người mà còn là nơi nương tựa trong đời sống tinh thần, chứa đựng vốn văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh rất phong phú vốn đã gắn bó với đồng bào từ rất lâu.
 
Vì vậy mất rừng ở đây không chỉ tai hại về kinh tế, môi trường mà còn để lại những hậu quả xấu về văn hóa- xã hội trong kinh tế thị trường, tình trạng phân hóa giàu nghèo là không thể tránh khỏi, nhưng khoảng cách giàu nghèo (nhóm 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất) ở Gia Lai đã tăng từ 3,59 lần năm 1986 lên 16,59 lần năm 2003, thuộc nhóm các tỉnh thành có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trong cả nước, khoảng cách này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
 
Nhìn tổng quát, mô hình tăng trưởng kinh tế Gia Lai thời gian qua là mô hình thiên về tăng trưởng theo chiều rộng, ít chú ý tới các yếu tố phát triển theo chiều sâu. Hệ lụy của nó là không thể tăng trưởng bền vững, càng tăng trưởng thì nguồn tài nguyên càng bị khai thác kiệt quệ, phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng và vượt quá ngưỡng "ổn định" cho phép. Do đó đã đến lúc không thể duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng cũ mà phải từng bước chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và nâng cao chất lượng của tăng trưởng kinh tế.

THeo Báo Gia Lai