Những bước tiến vững chắc của ngành Nông nghiệp Gia Lai

21/09/2010 09:52 AM


857.850 ha đất lâm nghiệp, gần 515.282 ha đất sản xuất nông nghiệp và trên 13.000 ha mặt nước chính là một trong những lý do để ngành Nông nghiệp Gia Lai chiếm tỷ trọng gần 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

857.850 ha đất lâm nghiệp, gần 515.282 ha đất sản xuất nông nghiệp và trên 13.000 ha mặt nước chính là một trong những lý do để ngành Nông nghiệp Gia Lai chiếm tỷ trọng gần 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
 
 
Theo thống kê, sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng bình quân 8,11%/năm. Kết quả tăng trưởng trên- theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT-thời gian qua ngành đã nhận được sự đầu tư đúng mức, có trọng tâm trên lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, công trình thủy lợi, hệ thống giao thông tăng sức lưu chuyển hàng hóa.
 
Trong giai đoạn 2005-2010, 6 dự án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tổng kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng được triển khai. Thông qua các dự án, tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhân rộng để nông dân áp dụng vào sản xuất; phổ cập rộng rãi các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, giống lai, giống nguyên chủng, giống cấp 1 đã được kiểm nghiệm về năng suất, độ thích nghi chất đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, tạo bước tăng trưởng ổn định cho ngành Nông nghiệp và cả những cuộc đổi đời của nông dân. Đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi Ia Mláh, hồ chứa Ia Mơ, Ia Lâu… nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã đưa vào khai thác hiện nay lên 229 công trình, tưới cho 24.000 ha lúa, 36.000 ha cây trồng ngắn-dài ngày.
 
Cây lúa nước hiện chiếm tỷ trọng lớn trong ngành Nông nghiệp. K.N.B
Cây lúa nước hiện chiếm tỷ trọng lớn trong ngành Nông nghiệp. K.N.B
Việc chuyển giao cơ cấu giống cây trồng mới vào sản xuất, phát triển công trình thủy lợi hạn chế tình trạng hạn cục bộ, mất mùa, định hình vùng chuyên canh cây trồng ngắn và dài ngày. Theo đà phát triển, tính đến năm 2010, tổng diện tích cây lương thực toàn tỉnh đạt 130.280 ha, tăng 10.000 ha; trong đó diện tích lúa Đông Xuân 24.000 ha, tăng 4.508 ha so với năm 2005. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, sử dụng giống mới, năng suất mùa vụ tăng từ 10% đến 15% so với giống cũ, chỉ riêng phần diện tích tăng thêm của 2 loại cây trồng trên đã đóng góp lớn vào kết quả tổng sản lượng cây lương thực năm 2010 tăng 27%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân tăng 35,3% so với năm 2005. Ngoài chỉ số diện tích hồ tiêu trồng mới đạt 1.700 ha, tăng 49,3%, diện tích cà phê tăng 0,9%, điều tăng 1,3% so với năm 2005; thì kết quả trồng mới 43.000 ha cao su, đạt gấp 4 lần chỉ tiêu đề ra là “điểm nhấn” đột phá của ngành Nông nghiệp 5 năm qua.
 
 
Chăn nuôi, thủy sản khai thác hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp cũng đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt 326,940 tỷ đồng, tăng 57,648 tỷ đồng so với năm 2005 có yếu tố quyết định là tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao giá trị các loại vật nuôi truyền thống, nổi bật là 2 dự án lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo gắn với thử nghiệm, chuyển giao giống vật nuôi mới. Từ đó tỷ lệ bò lai chiếm 36% so với tổng đàn 336.363 con, heo lai đạt tỷ lệ  66% so với tổng đàn; xuất hiện thêm nhiều giống chất lượng cao như: Giống bò chuyên thịt, Brahman thuần, bò lai hướng thịt giữa bò đực các giống Red Angus, Limousime và Drought với bò cái lai Sindhi; heo nái ngoại tổng hợp chất lượng cao (L71, L72), heo nái Móng Cái MC15 dòng có năng suất sinh sản cao và dòng MC3000 tỷ lệ nạc cao. Đàn gia cầm không ngừng phát triển về số lượng. Nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
 
Với diện tích đất lâm nghiệp 875.850 ha, trữ lượng gỗ chiếm 25% tổng trữ lượng gỗ toàn quốc- lĩnh vực lâm nghiệp cũng là thế mạnh kinh tế của tỉnh. Công tác lâm nghiệp được triển khai đồng bộ từ khâu phòng- chống cháy rừng, xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, chế biến, phát triển vốn rừng bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh rừng. Đã trồng mới 16,5 ngàn ha rừng phủ xanh đồi núi trọc, rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Quy trình phát triển lâm nghiệp luôn gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo thông qua giải pháp giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo Gia Lai