Nông dân “tắc đường” vì thuế khi chuyển đổi đất nông nghiệp

15/09/2010 07:12 AM


Gần đây, huyện Chư Pưh, Gia Lai xuất hiện khá nhiều nông dân có nhu cầu chuyển đổi đất vườn trồng cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm năng suất thấp, sang xây dựng trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, họ đều “choáng” trước mức thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao.

Gần đây, huyện Chư Pưh, Gia Lai xuất hiện khá nhiều nông dân có nhu cầu chuyển đổi đất vườn trồng cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm năng suất thấp, sang xây dựng trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, họ đều “choáng” trước mức thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao.
 
 
Anh Lê Văn Quang (Plei Dirjêk- thị trấn Nhơn Hòa- huyện Chư Pưh) hiện có trên 3.800 m2 đất trồng tiêu và các loại cây lương thực khác. Do tiêu trồng đã lâu năm, năng suất thấp, cộng với tình hình thời tiết bất lợi nên anh quyết định đầu tư chuyển đổi, thành lập trang trại nuôi một số loại động vật như: Dông, nhím, kỳ đà, heo rừng…
 
 
Tiến hành các thủ tục chuyển đổi đất sử dụng từ trồng cây công nghiệp sang xây dựng trang trại chăn nuôi, anh mới tá hỏa khi biết mức thuế mình phải nộp quá lớn. “Tôi được tư vấn mức thuế thấp nhất có thể áp dụng là 96.000 đồng/m2. Tính ra, với tổng diện tích như trên, ít nhất tôi sẽ tiêu tốn 364,8 triệu đồng. Một số tiền quá lớn, trong khi vốn đầu tư xây dựng trang trại, mua con giống… đã không hề nhỏ”-anh Quang tâm sự.
 
 
Vườn hồ tiêu anh Quang muốn chuyển sang xây dựng trang trại. Ảnh: L.H
Vườn hồ tiêu anh Quang muốn chuyển sang xây dựng trang trại. Ảnh: L.H
Khổ nỗi, do không tìm hiểu kỹ càng từ trước, anh trót liên hệ đặt mua hơn 500 triệu đồng tiền con giống. “Đâm lao thì phải theo lao”, giống đã đặt mua không thể trả lại, anh đành tạm thời chuyển đổi 200 m2 để xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi cứu cánh. “Dông, kỳ đà mỗi ngày một lớn, 200 m2 trở nên chật chội mà vốn đã cạn. Bây giờ muốn mở rộng phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất tiếp. Nếu chuyển đổi thì chẳng biết lấy gì để đầu tư. Dù rất muốn mở rộng chăn nuôi theo hướng này nhưng quả thực chúng tôi đang bế tắc!”-anh Quang lắc đầu.
 
 
Cùng chung tình cảnh của anh Quang, gia đình anh Tô Nguyên Thiện (Plei Dư- xã Ia Hrú- huyện Chư Pưh) cũng phải chật vật vì thuế khi chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng cây công nghiệp sang chăn nuôi động vật. Anh đã phải vay mượn tiền để bù vào khoản thuế phát sinh ngoài dự tính. “Nếu không nộp thuế, khi kiểm tra sẽ bị phạt. Lúc ấy còn khổ hơn. Giá như được một chính sách ưu đãi nào đó về thuế thì chúng tôi đã nhẹ gánh đi ít nhiều”- anh Thiện chia sẻ.
 
 
Chỉ tính riêng trên địa bàn thị trấn Nhơn Hòa cũng đã có trên dưới chục hộ có ý định phát triển kinh tế theo cách làm tương tự. Nhưng trước hoàn cảnh của anh Quang, anh Thiện, nhiều người khác đành ngậm ngùi tìm kế “hoãn binh”- ông Đỗ Đức Định- Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa, cho biết.
 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, theo ông Trần Văn Cường- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh: Theo quy định tại Điều 6- Nghị định 198-2004-NĐ/CP và tại Mục II, phần B- Thông tư 117 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 198, thì khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây công nghiệp sang xây dựng trang trại chăn nuôi (nông nghiệp sang phi nông nghiệp), chủ sử dụng đất phải đóng thuế chuyển đổi theo quy định của Nhà nước. Mức thuế được tính dựa trên giá trị khu đất (căn cứ theo bảng giá đất của UBND tỉnh).
 
 
Xét về khía cạnh kinh tế-xã hội, có thể thấy, việc xây dựng các trang trại chăn nuôi động vật là một hướng đi mới, đúng đắn và cần được khuyến khích. Sâu xa hơn, việc chăn nuôi các loại động vật này sẽ góp phần hạn chế được tình trạng săn bắt các loại thú rừng làm món đặc sản đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, mức thuế cao là một gánh nặng cho những người nông dân muốn phát triển kinh tế theo hướng đi mới này.

Theo Báo Gia Lai