Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất: Nhiệm vụ cấp bách

26/08/2010 07:32 AM


Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện những cơn mưa lớn nên chưa xảy ra hiện tượng sạt lở. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, lượng mưa khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện những cơn mưa lớn nên chưa xảy ra hiện tượng sạt lở. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, lượng mưa khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.
 
Trong các tháng tiếp theo của mùa mưa bão là thời kỳ hoạt động của hiện tượng Lanina, nên thời tiết trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có Tây Nguyên. Gia Lai có 576 hộ dân định cư trong vùng được xác định có nguy cơ bị sạt lở đất cao, tập trung ở các huyện Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa.
 
Buôn Jú Ama Hoét và buôn Jú Ama Uốk (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) nằm trong vùng bị sạt lở. Ảnh: H.S
Buôn Jú Ama Hoét và buôn Jú Ama Uốk (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) nằm trong vùng bị sạt lở. Ảnh: H.S
Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm giai đoạn 2009-2011. Theo đó, trong năm 2010, UBND tỉnh cấp cho huyện Krông Pa 1 tỷ đồng để  di dời 170 hộ dân tại buôn H’Liên, xã Chư Drăng; 6,5 tỷ đồng cho huyện Chư Sê và Chư Prông hỗ trợ cho các hộ dân từ các tỉnh thành khác di dân tự do vào định cư trên địa bàn 2 huyện. Dự kiến năm 2011 sẽ tiếp tục di dời 319 hộ dân định cư tại xã Ia Rsai (huyện Krông Pa)-địa bàn được xác định có nguy cơ bị sạt lở đất cao, tổng kinh phí UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cho địa phương thực hiện công tác di dời dân là 5 tỷ đồng.
 
Cùng với nguồn kinh phí trên, UBND tỉnh đã phân bổ 15 tỷ đồng theo thông báo danh mục đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ổn định dân di cư tự do của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7801/BKH-KTNN cho huyện Chư Prông và Chư Sê triển khai thực hiện di dời dân và ổn định cho số hộ từ các tỉnh thành khác đến định cư trên địa bàn 2 huyện theo diện di cư tự do.

Tuy vậy, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão tỉnh, việc di dời còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do điều kiện canh tác, cơ sở hạ tầng vùng định cư mới chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, nên kết thúc mùa mưa bão, các hộ dân được di dời lại quay về nơi cũ.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh xác định 7 mục tiêu lớn cần tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó có mục tiêu hoàn thiện việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai theo quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Trong năm 2010, các địa phương phải cơ bản hoàn thành di dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Báo Gia Lai