Loại trừ bệnh phong vào năm 2015: Hướng đến kết quả bền vững

10/08/2010 07:46 AM


Ngày nay bệnh phong được công nhận như một bệnh truyền nhiễm thông thường, nhưng tỷ lệ lây bệnh rất thấp. Nếu phát hiện sớm bệnh nhân phong có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Để giúp người bệnh nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh và chữa trị kịp thời thì công tác tuyên truyền về bệnh phong là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày nay bệnh phong được công nhận như một bệnh truyền nhiễm thông thường, nhưng tỷ lệ lây bệnh rất thấp. Nếu phát hiện sớm bệnh nhân phong có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Để giúp người bệnh nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh và chữa trị kịp thời thì công tác tuyên truyền về bệnh phong là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
 
Công tác phòng- chống phong trên địa bàn Gia Lai, ngoài việc khám phát hiện, điều trị còn phải tập trung tuyên truyền, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh phong. Ở Gia Lai, vì nhiều khó khăn chung mà tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu loại trừ bệnh phong vào năm 2010 như yêu cầu đề ra mà phải tiếp tục phấn đấu hoàn thành vào năm 2015.
 
Hướng dẫn khám-chữa bệnh cho bệnh nhân phong tại nhà.
Hướng dẫn khám- chữa bệnh cho bệnh nhân phong tại nhà.
Lộ trình loại trừ bệnh phong ở tỉnh ta tuy chậm nhưng hy vọng đó sẽ là một kết quả bền vững. Hiện tỉnh ta đã cơ bản đạt được 3/4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở Việt Nam là: Tỷ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 người, tỷ lệ tàn tật độ II dưới 15% và phần lớn cán bộ y tế địa phương đều biết phòng-chống phong là gì, làm thế nào để phát hiện sớm bệnh nhân phong. Riêng tỷ lệ phát hiện vẫn còn khá cao là 2,03/100.000 dân so với tiêu chuẩn chung là 1/100.000 dân.
 
Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân phong trên địa bàn khá cao cho thấy số lượng bệnh nhân phong tiềm ẩn trong cộng đồng còn nhiều. Thống kê của Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội cho thấy 85-90% bệnh nhân phong là đồng bào dân tộc thiểu số. Bản đồ phân vùng dịch tễ bệnh phong năm 2009 của tỉnh cũng chỉ rõ những vùng có bệnh nhân phong lưu hành nặng chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Điều này càng làm cho công tác khám phát hiện chủ động hết sức khó khăn, chưa kể lực lượng phòng-chống bệnh phong trên địa bàn thiếu, kinh phí hạn chế.
 
Hiện nay ngoài việc khám phát hiện chủ động thì chủ yếu vẫn nhờ vào phương pháp khám phát hiện thụ động. Nghĩa là người bệnh nhận thấy những dấu hiệu của bệnh thì tự giác đến các cơ sở y tế khám và điều trị. Qua tuyên truyền người dân đã có kiến thức về bệnh, không còn mặc cảm và sợ hãi như trước. 6 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 27 bệnh nhân mới, trong đó có 18 bệnh nhân qua phương pháp phát hiện thụ động.
  
Dấu hiệu sớm nhất của bệnh phong là những vết biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Vết trên da có thể chỉ lốm đốm dăm ba chỗ và chứa rất ít vi khuẩn. Nhưng cũng có thể xuất hiện trên khắp cơ thể và đầy những vi khuẩn.

Bệnh phong không gây chết người nhưng nó gây nên tàn tật ở mắt, bàn tay, bàn chân… Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng đa hóa trị liệu, đủ liều, đủ thời gian, chăm sóc tốt, bệnh lành hoàn toàn và hầu như không bị tàn tật.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo giáo dục y tế về bệnh phong, Trung tâm thường xuyên cung cấp tờ rơi, tranh ảnh, tờ gấp tuyên truyền về tận các thôn, làng thông qua các cán bộ y tế thôn làng, già làng, trưởng thôn. Chúng tôi còn cấp phát thời khóa biểu tuyên truyền về bệnh phong cho học sinh trung học cơ sở ở các địa phương có tỷ lệ lưu hành bệnh phong cao để các em có thêm kiến thức về bệnh phong.
 
Sắp đến nếu được Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đồng ý thì Trung tâm sẽ tổ chức một số buổi chuyên đề về bệnh phong tại đây. Hy vọng từ những thầy-cô giáo tương lai  này sẽ tiếp tục tuyên truyền lại cho các em học sinh của mình sau này, góp phần thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh phong vào năm 2015.

Theo Báo Gia Lai