Phát huy truyền thống, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh ngang tầm nhiệm vụ

30/07/2010 01:50 PM


Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong toàn quốc, ngành Tuyên giáo Gia Lai được hình thành và phát triển trong quá trình ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh.

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong toàn quốc, ngành Tuyên giáo Gia Lai được hình thành và phát triển trong quá trình ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh.
 
Trong suốt chặng đường từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, kể từ những hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng đầu tiên của các chiến sĩ cộng sản như: Hà Thế Hạnh, Lê Đức Mỹ, Trần Ren, Phan Thủy Tú, Nguyễn Lượng, Nguyễn Bá Hòe, Trần Như Tích, Nguyễn Ngọc Bích…, công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên huấn, nay là công tác tuyên giáo luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ tỉnh.
 
Nhờ đó, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; huy động được sức người, sức của phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, đặc biệt là góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng đi lên trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
Một góc phòng truyền thống Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật
Một góc phòng truyền thống Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta rất đỗi tự hào về đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng các lĩnh vực rất đa dạng của công tác tuyên giáo như: Công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản; công tác tuyên truyền miệng; công tác văn hóa-văn nghệ; công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác khoa giáo và công tác lịch sử Đảng... Đó là đội ngũ trung thành với lý tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc; dũng cảm, tỉnh táo và nhạy bén, kịp thời trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- văn hóa chống lại các thế lực thù địch; trung thực và nhất quán trong suy nghĩ và hành động, kiên định và sáng tạo trong tư duy và luôn hòa mình vào thực tiễn cuộc sống, thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất và đạo đức theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
 
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo thiếu kinh nghiệm thực tiễn, ít tiếp cận cơ sở, chưa nắm chắc chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, do đó khi giải thích, vận động quần chúng thiếu sức thuyết phục; trong quá trình nước ta ngày càng hội nhập toàn diện trong các quan hệ quốc tế, trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo chưa chịu khó nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ phục vụ công tác chuyên môn; không ít cán bộ tuyên giáo còn thể hiện tính chủ quan, lối mòn. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, chưa được đào tạo cơ bản về công tác tuyên giáo, trong khi đó công tác tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở chưa được quan tâm đúng mức...
 
 
Để công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong thời gian tới cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo theo những yêu cầu cơ bản sau:
 
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng và lợi ích dân tộc, kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nói và làm theo đúng Nghị quyết của Đảng. Cán bộ tuyên giáo phải nắm vững và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, không dao động trước khó khăn, thử thách. Do vậy, người làm công tác tuyên giáo phải ra sức học tập, đi sâu nghiên cứu lý luận, có khả năng tổng kết thực tiễn; phải thực sự cầu thị, tích cực tìm tòi, khai thác, nghiên cứu tình hình mới, giải quyết vấn đề mới, tăng cường tính nguyên tắc, tính hệ thống, kỷ luật phát ngôn, khả năng dự báo tình hình và tính sáng tạo trong công tác.
 
 
Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải tâm huyết, yêu nghề, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén về chính trị, có thái độ rõ ràng, nghiêm với mình, trong sạch và liêm khiết, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, gần gũi quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Công tác tuyên giáo mang tính chính trị, tính chính xác rất cao. Đối với những việc có liên quan tới lợi ích của quốc gia, dân tộc, tới cương lĩnh, đường lối và nguyên tắc của Đảng, người làm công tác tuyên giáo phải tỉnh táo, thái độ rõ ràng, không được chủ quan phiến diện. Phải có lòng nhiệt tình, cống hiến không tính toán, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, không để sơ suất làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
 
Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, người cán bộ tuyên giáo phải chủ động, tích cực học tập, rèn luyện không ngừng để nâng cao nhận thức chính trị, tinh thông nghiệp vụ, hết lòng, hết  sức phục vụ nhân dân; phải gần dân, gắn bó với nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin; phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, làm cho đời sống của nhân dân đi vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho ý Đảng hợp lòng dân; phải ra sức tuyên truyền làm cho nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Muốn vậy, người cán bộ tuyên giáo phải nghiên cứu nghệ thuật tuyên truyền vận động quần chúng, quan tâm xử lý đúng đắn vấn đề mâu thuẫn nội bộ nhân dân trong tình hình mới; phải biết lấy mình làm gương, không mưu lợi cá nhân, công bằng ngay thẳng, vượt qua thử thách thì mới xây dựng được hình tượng tốt đẹp, công tác mới có sức thuyết phục, lôi cuốn.
 
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo luôn chịu khó suy nghĩ, đi sâu điều tra, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm. Tình hình, nhiệm vụ mới đòi hỏi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải chịu khó suy nghĩ, chịu khó học tập để có kiến thức tổng hợp về lý luận chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh, về xây dựng hệ thống chính trị... Có như vậy mới đảm đương được nhiệm vụ được phân công. Việc điều tra, nghiên cứu, nắm chắc dư luận xã hội, nắm chắc tình hình thực tiễn là cơ sở để làm tốt công tác tuyên giáo. Trong tình hình công cuộc đổi mới diễn ra ngày càng sâu sắc, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thực tiễn cuộc sống đặt ra cho công tác tuyên giáo nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải đi sát cơ sở, hòa mình vào các tầng lớp nhân dân, tổ chức điều tra, nghiên cứu, nghiêm túc tổng kết kinh nghiệm để có nhận thức khoa học, tìm ra được biện pháp có hiệu quả. Điều tra nghiên cứu để nắm toàn diện tình hình thực tiễn, phân tích, tính toán, tìm ra quy luật, nắm bắt xu hướng phát triển, nắm bắt tình hình mới, giải quyết vấn đề mới, giúp công tác tuyên giáo đạt hiệu quả cao.
 
 
 

Để ghi nhận thành tích của các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh trong 65 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng Nhì (năm 1968), Huy chương Giải phóng hạng Nhất (năm 1972); Huân chương Lao động hạng Ba (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009) và nhiều Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng-Văn hóa”, “Vì sự nghiệp Khoa giáo”, “Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng”…

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh cần tập trung tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) của Đảng “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, các chỉ thị, thông báo, kết luận… của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí xuất bản; văn hóa văn nghệ; báo cáo viên, tuyên truyền miệng; thông tin đối ngoại; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Tham mưu đắc lực, có chất lượng, hiệu quả cho cấp ủy trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực này trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
 
Tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ cơ sở đến tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; chú trọng cử cán bộ đi đào tạo cơ bản các chuyên ngành về công tác tuyên giáo; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho cán bộ tuyên giáo cơ sở, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
 
 
Phan Xuân Trường
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo Báo Gia Lai