GIỚI THIỆU TÁC PHẨM DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

18/09/2014 07:36 AM


Ngày 15/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc đầu tiên. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, dài 4 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

I. VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM:

Ngày 15/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc đầu tiên. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, dài 4 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1966, 1967 không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thêm ở phần nội dung Người viết về Đảng. Ở khổ văn thứ nhất nội dung này, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”. Đến đây, Người thêm các chữ “phục vụ Tổ quốc”. Ở khổ văn thứ 3 trong nội dung viết về Đảng, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê b ình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Đến đây, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào cuối khổ văn.

Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Ngày 10-5-1969, Người viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc bằng 1 trang viết tay.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1965 (trong đó đoạn mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968), gồm 4 trang in khổ 14,5 x 22 cm.

Các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Khóa VI cho phép công bố năm 1989 vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người.

Căn cứ theo tài liệu công bố của Bộ Chính trị (trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 12) các Bản thảo Di chúc được sắp xếp theo thứ tự thời gian Người viết, các bản bút tích được in trước, sau đó các bản đánh máy và bản in được in tiếp sau đó. Cuối cùng là bản Di chúc công bố chính thức năm 1969.

II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM:
1. Về chủ quan

Đến năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự cảm nhận được sức khỏe của mình giảm sút so với những năm trước đó. Người cho rằng, ở tuổi 75, Người thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Tuy cảm thấy “tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, nhưng Người dự báo “Ai dám đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng được mấy năm tháng nữa”. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã dự cảm được thời khắc quan trọng của thời gian còn lại ở cuối cuộc đời mình. Từ dự cảm đó, Người viết: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm thấy “Sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh, chủ động nhận bắt quy luật của tự nhiên, khi Người viết: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” … khi Người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao.

Vì vậy, Người đã chủ động viết Di chúc, để lại tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa. Tuy sức khỏe giảm sút, nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng cháy một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào, toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và với cách mạng thế giới.

2. Về khách quan

Tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Đúng thời điểm này, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta bị thất bại hoàn toàn. Ngoan cố và liều lĩnh, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân đổ bộ vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của Quân giải phóng miền Nam, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá hủy diệt miền Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta không bất ngờ trước việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Ngay tháng 3-1964, căn cứ điều 67 của Hiến pháp và trước âm mưu của đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hả Nội. Người khẳng định: nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ bị thất bại thảm hại. Người kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn đân thể hiện ý chí của toàn dân tộc ta sẵn sàng chiến đấu chống để quốc Mỹ mở rộng chiến tranh để bảo vệ miền Bắc và chi viện tích cực cho cách mạng miền Nam. Đến tháng 3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 11, khóa III hạ quyết tâm: quyết chiến và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Cuộc chiến tranh cục bộ mà quân Mỹ là nòng cốt diễn ra ở miền Nam qua hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân Mỹ đã đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trong thế thắng đó, Đảng ta chủ trương bồi một đòn chiến lược vào ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.

- Thực hiện chủ trương chiến lược này, Tết Mậu Thân 1968, ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công đã làm thất bại hoàn toàn chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Paris. Tuy nhiên, do bản chất xâm lược và hiếu chiến, ngoan cố, chúng bắt đầu áp dụng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" ở miền Nam.

- Trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới và nhất là phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta phát triển rất mạnh mẽ.

Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thời điểm đó, mặc dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng khả năng thắng lợi "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã thể hiện rõ. Trong bài thơ Mừng Xuân 1969, Bác đã viết:

"Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc, Nam sum họp xuân nào vui hơn"
. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong thời điểm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

BBT