Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Cần tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và ngân hàng
09/06/2014 07:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại trực tiếp này, những vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp trăn trở như: Cho vay tín chấp khi doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo thế chấp, giảm lãi suất cho vay trung dài hạn xuống dưới 13% năm và mở rộng hạn mức tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã được đưa ra thảo luận...
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh (NHNN-CN) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với DN nhằm nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Và vấn đề cốt lõi mà DN quan tâm nhất vẫn là động thái cụ thể từ phía các ngân hàng thương mại (NHTM) sau khi kết thúc Hội nghị; liệu DN và NH có thực sự kết nối, tìm ra tiếng nói chung hay không? Theo số liệu từ phía NHNN-CN tỉnh cung cấp tại Hội nghị, trong thời gian qua ngành NH đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng lực tài chính cho DN. Các NHTM đã cấp tín dụng cho 1.807 DN, chiếm 61,3% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với dư nợ vay là 18.642 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm và chiếm 50,8% tổng dư nợ cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 1.764 tỷ đồng; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 60.367 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh là 19.685 tỷ đồng (trong đó có 1.688 DN, với dư nợ được điều chỉnh là 11.408 tỷ đồng).
Hiện nay, thống kê của NHNN cho thấy, dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 95,8% tổng dư nợ, dư nợ lãi suất trên 13% chỉ còn 1.411 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ của DN là 360 tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ có lãi suất trên 13%/năm. 4/17 NHTM không có dư nợ lãi suất trên 13%/năm là các chi nhánh sau: NHTM cổ phần Ngoại thương, NHTM cổ phần An Bình, NHTM cổ phần Sài Gòn, NHTM cổ phần Dầu khí Toàn cầu. 13/17 NHTM còn dư nợ lãi suất trên 13%, chủ yếu là các khoản cho vay trung, dài hạn từ năm 2011, 2012 với đối tượng là máy móc, thiết bị, ô tô, cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, các NHTM đã thực hiện cho vay mới đối với nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 19.174 khách hàng (365 DN) với dư nợ 3.968 tỷ đồng; đã triển khai 68 gói sản phẩm lãi suất ưu đãi cho 893 khách hàng với doanh số cho vay là 4.930 tỷ đồng (trong đó có 260 DN với 3.457 tỷ đồng)...
Quan tâm về hạn mức tín dụng xuất khẩu nông sản, ông Thái Như Hiệp (Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Vĩnh Hiệp) nêu quan điểm rằng, hạn mức tín dụng quá thấp so với giá trị thực sự mà ngành hàng này mang lại. Theo phân tích của DN, hiện nay, tín dụng dành cho xuất khẩu chỉ chiếm 4,5%/tổng doanh thu của DN và chiếm 1,5%/tổng sản lượng hàng xuất đi của DN. Với thực tế này, DN thực sự gặp khó trong việc phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đặc thù ngành nông sản hoạt động giao vụ từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, do vậy NH nên mở cấp tín dụng cho DN đúng thời vụ sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Cần-Phó Giám đốc Vietcombank Gia Lai: Vẫn còn có độ trễ nhất định trong vấn đề hạ lãi suất, bởi tùy theo nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp-nông thôn, DN vừa và nhỏ... thì DN được hưởng gói lãi suất ưu đãi hơn theo quy định. Đối với những DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sau khi xếp hạng tín dụng có kết quả tốt thì sẽ được hưởng những ưu đãi về lãi suất. Hầu như những DN khách hàng của Vietcombank hiện đang hưởng mức lãi suất cho vay trên dưới 10%, đồng thời chúng tôi cũng cố gắng điều chỉnh lãi suất phù hợp nhằm tạo điều kiện giảm bớt khó khăn về chi phí cho DN. Đối với vấn đề cho vay tín chấp thì ai cũng muốn nhưng cho vay phải dựa trên xếp hạng tín dụng theo quy định chặt chẽ của Nhà nước, vào khả năng của DN...
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ cho rằng, một vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm sao để DN tiếp cận với vốn vay NH. Qua 5 tháng đầu năm 2014, huy động vốn đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,4% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay là 37.200 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2013. So sánh số liệu trên cho thấy hiện nay NH thừa vốn nhưng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng rất thấp, nhiều NH có chỉ số tăng trưởng âm, không cho vay mới mà chỉ thu hồi vốn, thu nợ. Do đó, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN cũng đồng nghĩa với việc NH đưa được vốn vào nền kinh tế, có lợi cho chính NH. Mặt khác, vẫn còn gần 5% dư nợ có lãi suất trên 13%/năm (cho vay trung và dài hạn các năm 2011, 2012) chưa được điều chỉnh giảm xuống theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam là vì nguyên nhân gì? Đồng quan điểm với tỉnh, đại diện Công ty TNHH Ngọc Hoa cũng cho rằng, hiện nay DN đang được hưởng mức lãi suất cho vay ngắn hạn rất tốt. Tuy nhiên, hầu hết DN sử dụng vốn vay trung và dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị, máy móc nên rất mong muốn được điều chỉnh lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...