Chủ động ứng phó trong mùa mưa lũ 2014

23/05/2014 07:32 AM


Mùa mưa bão 2014 đang tới gần, các địa phương khu vực phía Đông Nam của tỉnh đã chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể phòng-chống lũ lụt, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Mùa mưa bão 2014 đang tới gần, các địa phương khu vực phía Đông Nam của tỉnh đã chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể phòng-chống lũ lụt, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm 2014 sẽ đến sớm hơn so với mọi năm và diễn biến phức tạp hơn…

Mua thêm thuyền mới

 

Đưa người dân vào vùng an toàn. Ảnh: Đức Thụy
Đưa người dân vào vùng an toàn. Ảnh: Đức Thụy

Người dân các làng, xã định cư ven hai bên sông Ba như buôn Ama Dương, buôn Ma Knik (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) và xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) đã quen với lũ, lụt. Mỗi năm đến mùa mưa, người dân lại chuẩn bị tinh thần “chạy lũ”. Đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn chưa quên trận lũ lịch sử năm 2009. Mưa to khiến nước từ các sông suối thượng nguồn cùng với nước từ hồ thủy lợi và thủy điện xả lũ đổ về khiến nước ngập nhiều nóc nhà, cuốn trôi hàng ngàn con bò, đồ dùng sinh hoạt khiến cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau lũ, chính quyền cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, cuộc sống người dân mới dần đi vào ổn định. Từ đó đến nay, nhận thức của người dân về mối nguy hại do lũ có sự chuyển biến tích cực…

Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, bà Rơ Ô H’Nhun (buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi) tập trung cả gia đình nhanh chóng làm đất, gieo trồng vụ mới, gia cố lại nhà cửa và chuồng trại để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây nên. Bà Nhun khoe: “Năm ngoái nhờ chuẩn bị tốt mọi thứ nên khi lũ tràn về làm ngập nửa nhà nhưng nhà mình không sao hết. Năm nay, già bán lúa mua thêm hai chiếc thuyền to hết 3 triệu đồng. Ít bữa nếu lũ về thì đã có thêm hai cái thuyền chở người nhà đi tránh lũ”.

Nhà Nay Hen-Bí thư Đảng ủy xã Ia Broăi ở buôn Jứ Ma Uôk có 4 chiếc thuyền, được xếp sẵn dưới gầm nhà sàn. Đây là phương tiện đi lại và di tản mọi người trong gia đình đến nơi trú ẩn khi có lệnh di tản từ chính quyền. Theo ông Hen thì toàn xã hiện có khoảng 200 chiếc thuyền lớn nhỏ các loại do nhân dân tự trang bị nhằm mục đích di chuyển và di tán khi mưa lũ. Điều này chứng tỏ ý thức chủ động phòng-chống thiên tai trong nhân dân được nâng cao. Nhờ đó các mùa lũ lụt đã qua, trên địa bàn xã giảm thiểu đến mức thấp nhất về tài sản của nhân dân do mưa lũ gây nên, không thiệt hại về người.

Sẵn sàng ứng phó bão lũ

 

Gấp rút gia cố đường liên xã Ia Broăi trước mùa lũ bão. Ảnh: Nguyễn Tú
Gấp rút gia cố đường liên xã Ia Broăi trước mùa lũ bão. Ảnh: Nguyễn Tú

Đến thời điểm này, huyện Ia Pa đã tổ chức rà soát, xây dựng phương án di dời 240 hộ dân thuộc buôn Jứ Ma Hoét và Jứ Ma Uôk (xã Ia Broăi) thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ, đất đai bị sạt lở nghiêm trọng đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, gấp rút hoàn thành việc gia cố tuyến đường liên xã Ia Broăi hư hại trầm trọng trong mùa mưa lũ đã qua, đồng thời tổ chức tuyên truyền nhân dân các xã Ia Trôk, Ia Tul, Ia Broăi… theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động di dời khi có lũ lụt diện rộng.
 

Chiều 20-5, UBND huyện Kông Chro tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014.

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất đưa ra phương án phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng tránh; tổ chức xây dựng lực lượng xung kích để đáp ứng nhu cầu khi có thiên tai xảy ra; rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ để có phương án phòng-chống có hiệu quả; cắm biển báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhân dân phòng, tránh. Đồng thời, vận động nhân dân chèn, chống nhà cửa, phát quang cây xanh khi có dự báo cơn bão mạnh đi qua và tuyên truyền cho nhân dân những vấn đề cần biết trước, trong và sau khi xảy ra bão lũ….

Hồng Thương

Tại huyện Krông Pa và Phú Thiện, những xã thường xuyên ngập lụt đã xây dựng phương án phòng-chống bão lũ, phân công người túc trực 24/24 giờ tại các địa bàn xung yếu của huyện. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thì cùng với việc xây dựng phương án chống bão lũ, Phòng đặc biệt lưu ý các xã Ia Rsươm, Chư Gu, Phú Cần… phải thường xuyên cập nhật thông tin bão lũ, vận động nhân dân không gieo trồng các loại cây dài ngày tại các khu vực ven sông, tránh bị nước lũ cuốn trôi hoặc ngập lụt gây úng, thiệt hại về tài sản.

Tại thị xã Ayun Pa, Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ayun Pa cũng đã triển khai các phương án phòng-chống bão lũ năm 2014; xây dựng đề án di dời 75 hộ dân thường xuyên bị ngập lụt tại buôn Ama Dương (phường Sông Bờ). Ông Mai Thế Phụng-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ayun Pa cho biết: “Để chủ động ứng phó với thiên  tai bão lũ năm 2014, UBND thị xã đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác phòng-chống cứu nạn tại các xã, phường. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, chúng tôi phân công người đến từng buôn làng tuyên truyền người dân chủ động trước bão lụt, không ở lại các khu vực có nguy cơ ngập lụt trong thời gian mưa bão. Đồng thời, thông báo mở nước sớm phục vụ gieo trồng tại các vùng thường xuyên úng nước”.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, để công tác phòng-chống bão lũ có hiệu quả về lâu dài cần có sự hợp tác từ người dân. Bên cạnh đó, các công trình thủy điện và hồ thủy lợi cần có kế hoạch thông báo thời gian xả lũ và lưu lượng nước cụ thể cho từng địa phương. “Đề nghị thủy điện An Khê-Ka Nak, hồ thủy lợi Ayun Hạ khi cần có thông báo cụ thể đến địa phương về thời gian và lưu lượng xả lũ để chúng tôi chủ động triển khai hoạt động ứng cứu, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân”-ông Phụng nói.

Theo Báo Gia Lai