Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên: Động lực để Gia Lai phát triển

15/05/2014 01:10 PM


Đường Hồ Chí Minh là tuyến đường thứ 2 (sau quốc lộ 1A) chạy từ Bắc vào Nam, chạy qua vùng núi phía Tây, có tổng chiều dài 3.167 km. Đường Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở nâng cấp và mở rộng một số tỉnh lộ, quốc lộ cũng như phát triển thêm một số đoạn. Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ được chia làm 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 350.000 tỷ đồng.

Đường Hồ Chí Minh là tuyến đường thứ 2 (sau quốc lộ 1A) chạy từ Bắc vào Nam, chạy qua vùng núi phía Tây, có tổng chiều dài 3.167 km. Đường Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở nâng cấp và mở rộng một số tỉnh lộ, quốc lộ cũng như phát triển thêm một số đoạn. Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ được chia làm 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 350.000 tỷ đồng. Theo Quyết định số 38/2004/QHXI, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đoạn qua Tây Nguyên: từ đèo Lò Xo (Kon Tum), Gia Lai, Đak Lak và Đak Nông. Dự kiến giai đoạn 2015-2020 sẽ xây dựng tuyến cao tốc Tây Nguyên dài 392 km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật từ 4 đến 6 làn xe, cao tốc cấp 80-100, với tổng mức kinh phí đầu tư là 66.788 tỷ đồng...
 

Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo thiết kế của dự án, đường Hồ Chí Minh-đoạn qua địa phận Gia Lai có chiều dài 97 km, sẽ đi qua 6 huyện, thành phố (Chư Pah, TP. Pleiku, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê và Chư Pưh), với tổng mức kinh phí đầu tư 16.082 tỷ đồng. Với việc đường Hồ Chí Minh được thi công hoàn thiện, sẽ kết nối vào quốc lộ 19, quốc lộ 25 và hệ thống đường tỉnh để hình thành một hệ thống đường từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam, tạo đà cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Ở một tầm cao hơn, khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, Gia Lai sẽ có một vị trí đặc biệt quan trọng, trở thành cửa ngõ nối liền Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung (quốc lộ 14 kết giao nhau với quốc lộ 19 tại TP. Pleiku và giao nhau với quốc lộ 25 tại Chư Sê), nơi có 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp, 13 cảng biển và tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua.

Còn riêng với Gia Lai, nền kinh tế một phần là nhờ vào các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê (tổng sản lượng hơn 140.000 tấn/năm), cao su (68.000 tấn mủ khô), hồ tiêu (21.000 tấn), thuốc lá (3.000 tấn)… Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản như đá granit, puzơlan, sắt... Những năm qua, hầu hết các mặt hàng nông-lâm sản, khoáng sản… đều được xuất ra khỏi tỉnh dưới dạng thô hoặc sơ chế đến các khu công nghiệp ở khu vực Duyên hải miền Trung hoặc TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông xuống cấp là nút thắt khiến các mặt hàng tiêu thụ chậm, giá thành sản phẩm thấp, khi tháo gỡ được nút thắt này sẽ giúp nông-lâm sản Gia Lai phát triển mạnh hơn. Vì ngoài việc sẽ tăng được giá cả, giảm bớt chi phí các mặt hàng, thì với nguồn nguyên liệu sẵn có, sẽ mở ra triển vọng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản theo quy mô lớn và hiện đại ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, ngoài vị trí kết nối giữa Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung và theo chiều ngược lại, tỉnh Gia Lai còn có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, nơi có các cửa khẩu quốc tế như Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Vì vậy, hạ tầng giao thông là vấn đề thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa và thu hút đầu tư. Thực tế trong những năm qua, khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, Gia Lai đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính riêng năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 140 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận và chấp thuận chủ trương đầu tư. Có 52 dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, với tổng vốn đăng ký 5.850 tỷ đồng, 57 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng vốn đăng ký 12.168 tỷ đồng… Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 200 triệu USD…

 

Ảnh: Thanh Thúy
Ảnh: Thanh Thúy

Bên cạnh đó, đường Hồ Chí Minh góp phần tạo ra hệ thống giao thông rộng khắp, vừa liên kết Tây Nguyên vừa nối với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông-Tây. Từ đây sẽ mở ra một chương mới trong phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đồng thời mở rộng hợp tác liên kết du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh trong khu vực và vùng lân cận. Vì hiện nay, Gia Lai có những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng. Về du lịch sinh thái, Gia Lai có một hệ thống thắng cảnh thiên nhiên và khu hệ động thực vật hấp dẫn như: Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Yama Yang Yung, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng… Nếu kết hợp với các thắng cảnh như: hồ Ia Ly, Măng Đen, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh… (Kon Tum), Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, hồ Lak… (Đak Lak), thác Ba tầng, Gia Long, Trinh Nữ, suối khoáng nóng Đak Song… (Đak Nông), hồ Xuân Hương, Vườn Quốc gia Cát Tiên, thác Đam B’Ri, rừng Madagui… (Lâm Đồng), sẽ tạo ra một tour du lịch sinh thái hấp dẫn và rất thuận lợi vì tất cả các thắng cảnh thiên nhiên đều nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh hoặc từ đây kết nối với các quốc lộ, tỉnh lộ khác.
 

Dự kiến giai đoạn 2015-2020 sẽ xây dựng tuyến cao tốc Tây Nguyên dài 392 km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật từ 4 đến 6 làn xe, cao tốc cấp 80-100, với tổng mức kinh phí đầu tư là 66.788 tỷ đồng...

Ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Gia Lai, đường Hồ Chí Minh cũng có vai trò quan trọng trong việc giữ vững quốc phòng-an ninh. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 90 km đường biên tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và có tuyến quốc lộ 14C chạy dọc biên giới. Khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ kết nối với quốc lộ 14C thông qua quốc lộ 19, đường tỉnh 663, 664 và 665, tạo thành một mạng lưới giao thông ra khu vực biên giới phục vụ quốc phòng-an ninh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực biên giới phía Tây.

Như vậy, hạ tầng giao thông nói chung và đường Hồ Chí Minh nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của khu vực Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai. Điều này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013 tại Gia Lai: Phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Từ đó để Tây Nguyên tăng cường liên kết với các khu vực khác và các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh-xã hội…

Nguyễn Trung Tâm
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải

Theo Báo Gia Lai