Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân: Cân nhắc những vấn đề mới được đề cập

06/05/2014 07:26 AM


Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi). Tại Hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân sao cho gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật nhưng đảm bảo quy định của Hiến pháp 2013

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi). Tại Hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân sao cho gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật nhưng đảm bảo quy định của Hiến pháp 2013 và chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Nhiều ý kiến tập trung có nên tổ chức Viện Kiểm sát khu vực hay không như chủ trương thành lập Tòa án Nhân dân khu vực. Bởi việc tổ chức Viện Kiểm sát khu vực có thể gồm 1 đơn vị hành chính cấp huyện mà cũng có thể hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên. Theo Đại tá Vũ Văn Lâu-Phó Giám đốc Công an tỉnh, lâu nay Viện Kiểm sát có trách nhiệm báo cáo công tác hoặc trả lời chất vấn, kiến nghị trước Hội đồng Nhân dân thì đối chiếu với khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (dự thảo) Viện Kiểm sát khu vực báo cáo, trả lời chất vấn, kiến nghị trước Hội đồng Nhân dân nào cần phải quy định rõ.

 

Ảnh: Lê Văn Nhung
Ảnh: Lê Văn Nhung

Đồng tình quan điểm này, ông Võ Ngọc Anh-Trưởng phòng Thực hành Quyền công tố kiểm sát điều tra kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự án trật tự xã hội-Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh nêu ý kiến nên giữ nguyên mô hình tổ chức Viện Kiểm sát như hiện nay. Nếu tổ chức theo mô hình Viện Kiểm sát khu vực thì sẽ khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án, mâu thuẫn với tổ chức Cơ quan Điều tra và chắc chắn sẽ còn gặp không ít khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện thủ tục tạm giữ, tạm giam, trích xuất bị can, bị cáo. Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng gợi ý: “Theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, chủ trương thành lập Tòa án khu vực là hợp lý nhưng nhất thiết có tòa khu vực thì phải có Viện Kiểm sát khu vực? Nếu Viện trưởng khu vực vào cấp ủy thì cơ cấu vào cấp ủy nào cần xem xét trước quy định vào luật về Viện Kiểm sát khu vực để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện”.

Một điểm mới nữa là trong khoản 2 Điều 12 của dự thảo quy định Viện Kiểm sát khi thực hành quyền công tố “Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật”. Đại tá Vũ Văn Lâu phân vân liệu có chồng lấn nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra Công an mà lâu nay cơ quan này làm rất tốt. Hơn nữa, tại khoản 5 Điều 16 lại quy định thêm Viện Kiểm sát khi kiểm sát điều tra có quyền yêu cầu thay đổi điều tra viên, trợ lý điều tra, người giao nhiệm vụ điều tra theo quy định của pháp luật; yêu cầu xử lý nghiêm minh điều tra viên, trợ lý điều tra, người được giao nhiệm vụ điều tra vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra.

Đại tá Lâu giải thích: “Viện Kiểm sát và Cơ quan Điều tra là hai cơ quan độc lập, nếu phát hiện quá trình điều tra có sai phạm thì đương nhiên Thủ trưởng Cơ quan Điều tra sẽ xử lý. Quy định như thế này hóa ra Viện Kiểm sát là cấp trên của Cơ quan Điều tra”. Tuy nhiên, ông Hà Công Long-Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải thích theo hướng khác: Tăng chức này không “giẫm chân” lên nhau mà góp phần giải quyết, xử lý tốt tin tội phạm, tin tố giác, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, kết quả kiểm toán, các tội phạm do cán bộ thuộc cơ quan tư pháp…

Đối với quy định về chức danh, độ tuổi của kiểm sát viên (KSV) cũng tạo ra sự tranh luận sôi nổi. Hầu hết các đại biểu đề nghị nên tổ chức thi tuyển KSV khi đủ tiêu chuẩn. Nên chọn phương án KSV các ngạch được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm. Trường hợp bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thời hạn là 10 năm. Đồng thời “Không quy định KSV Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được làm việc đến 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam. Quy định này là trái với Bộ luật Lao động hiện hành”-ông Nguyễn Văn Thắng so sánh. Tuy nhiên, ông Hà Công Long lại cho rằng độ tuổi chỉ áp dụng với KSV Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao!

Mặt khác, trong 4 ngạch KSV gồm: KSV sơ cấp, KSV trung cấp, KSV cao cấp và KSV Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nên bỏ cụm từ “sơ cấp” để phù hợp với thẩm quyền giải quyết các vụ án, việc dân sự liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đối với khối hành chính hiện nay xếp loại công chức theo trình độ, chức năng nhiệm vụ công tác (cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp-N.V) thì Viện Kiểm sát cũng vậy. Ông Huỳnh Thế Mạnh-Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất thêm: “Kiểm sát là chính ngạch hay chức vụ? Nếu chính ngạch thì bổ nhiệm một lần và sau đó thi nâng ngạch”…

Được biết, dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi) sẽ lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII cuối năm 2014. Đây là một văn bản luật rất quan trọng về cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân… Luật phải đảm bảo tính hợp hiến vừa đảm bảo 2 chức năng lớn của ngành Kiểm sát là đề cao thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo Báo Gia Lai