Thu hút đầu tư: Cần những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù

23/04/2014 09:23 AM


Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II tổ chức tại TP. Pleiku hồi tháng 4-2013, đã có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký khá lớn-gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm, vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Nhiều chuyên gia về kinh tế có chung nhận định một phần nguyên nhân của sự chậm trễ đó là do Trung ương thiếu những cơ chế, chính sách

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II tổ chức tại TP. Pleiku hồi tháng 4-2013, đã có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký khá lớn-gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 1 năm, vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Nhiều chuyên gia về kinh tế có chung nhận định một phần nguyên nhân của sự chậm trễ đó là do Trung ương thiếu những cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư có tính đặc thù đối với tỉnh ta nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

 

Chế biến điều tại Nhà máy Điều Olam . Ảnh: Hà Duy
Chế biến điều tại Nhà máy Điều Olam. Ảnh: Hà Duy

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, đến nay, có gần 150 dự án được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư (không kể các dự án đã bị thu hồi) với tổng vốn đăng ký gần 19.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 34 dự án, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 118 dự án (54 dự án đã hoàn thành, còn 64 dự án đang triển khai). Riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II tổ chức tại TP. Pleiku hồi tháng 4-2013, có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó 3 dự án do Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đầu tư gồm: dự án Khu Đô thị suối Hội Phú, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án: 5 năm (2014-2019); dự án Trung tâm Thương mại Pleiku với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô 7 tầng, thời gian thực hiện dự án dự kiến 2 năm (2014-2016) và dự án Trung tâm Đào tạo Chuyển giao Công nghệ cao về y tế với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Dự án còn lại là dự án chăn nuôi bò sữa tại huyện Kbang do Công ty cổ phần Thực phẩm TH-Tây Nguyên làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 12.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên cho đến nay, cả 4 dự án vẫn chưa được triển khai. Dự án Khu Đô thị suối Hội Phú, hiện UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư, chỉ đạo các ngành lập hồ sơ dự toán triển khai thực hiện dự án bằng nguồn ngân sách nhà nước. Dự án Trung tâm Đào tạo Chuyển giao Công nghệ cao về y tế đang làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư (chuyển cho Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh). Dự án chăn nuôi bò sữa, chủ đầu tư và UBND huyện Kbang đang tiến hành khảo sát và thỏa thuận đất đai. Chỉ duy nhất dự án Trung tâm Thương mại Pleiku là chủ đầu tư đang chuẩn bị triển khai.

Tại buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-ông Nguyễn Văn Bình, ông Hồ Phước Thành-quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã lý giải nguyên nhân khiến công tác thu hút đầu tư tỉnh ta còn nhiều hạn chế là do cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư đối với tỉnh chưa được Trung ương quan tâm đúng mức để tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là việc phát triển kinh tế tư nhân. Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã quy định TP. Pleiku không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn để được khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ xếp Pleiku ngang mức ưu đãi đầu tư với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Do đó, một số dự án đầu tư trên địa bàn Pleiku không được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, mặc dù tỉnh ta có tiềm năng và lợi thế phát triển nông-lâm nghiệp, thủy điện và các ngành khác, song vẫn là vùng khó khăn, yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tình hình thực tế cho tới thời điểm này vẫn vậy, song trong tương lai gần, việc thu hút đầu tư của tỉnh ta sẽ sáng sủa hơn khi mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị với Chính phủ về hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh của khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ mới phù hợp với địa phương hoặc công nghệ thích hợp, công nghệ sinh học; trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; du lịch sinh thái; giáo dục, đào tạo và dạy nghề… sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi. Như được hưởng ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hoặc được hỗ trợ tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6%/năm tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khác cho vùng Tây Nguyên như hỗ trợ tối đa 100% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với các dự án do địa phương quản lý được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đầu tư theo mục tiêu, hỗ trợ 100% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với phần vốn đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý đáp ứng điều kiện hỗ trợ của Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thay thế Quyết định này. Nhất là hàng năm, Trung ương bố trí không thấp hơn 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và ưu đãi đặc thù.

Theo Báo Gia Lai