Gieo mầm xanh trên miền "đất khát"
23/04/2014 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong những người gắn bó lâu năm với vùng đất Krông Pa, cô Tạ Thị Hài-Phó trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo nhớ lại: 4 tháng sau khi huyện Krông Pa được thành lập, tháng 8-1979, nhóm 10 giáo viên trẻ sau 2 ngày lặn lội vượt gần 200 km từ Trường Trung học Sư phạm Kon Tum đã về đến trung tâm huyện nhận nhiệm vụ.
Là một trong những người gắn bó lâu năm với vùng đất Krông Pa, cô Tạ Thị Hài-Phó trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo nhớ lại: 4 tháng sau khi huyện Krông Pa được thành lập, tháng 8-1979, nhóm 10 giáo viên trẻ sau 2 ngày lặn lội vượt gần 200 km từ Trường Trung học Sư phạm Kon Tum đã về đến trung tâm huyện nhận nhiệm vụ. Sau vài ngày nghỉ ngơi lấy lại sức, các giáo viên được điều đến trường mới đóng giữa rừng già, quanh đó có một vài buôn người dân tộc thiểu số. Gọi là trường nhưng chỉ có một dãy nhà lèo tèo vài phòng lợp tranh, che phên nứa. Mỗi giáo viên phải tự mở lớp, vận động đủ số lượng học sinh. Hàng tháng, thay nhau ra trung tâm huyện cách đó 15 km mang vác thực phẩm về buôn. Tình trạng thiếu đói xảy ra triền miên. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng như muốn thiêu đốt từng nhành cây ngọn cỏ…
“Thời điểm đó, Krông Pa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh được 5 năm nên cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục rất nghèo nàn, lạc hậu. Toàn huyện chỉ có 6 trường với 2.000 học sinh và 98 giáo viên, bao gồm 1 trường bổ túc và 5 trường phổ thông cơ sở. Trường phổ thông cơ sở bao gồm cả 3 bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Đa phần là học sinh dân tộc thiểu số. Trường cách nhau không dưới 20 km. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Đã có nhiều người từ bỏ nhưng tôi thì không, bởi tôi quý trọng tinh thần hiếu học của gia đình và các em học sinh”-cô Hài cho biết. Sau 35 năm cống hiến, những giáo viên trong thời kỳ đầu thành lập huyện như cô Tạ Thị Hài, cô Nguyễn Thị Hoa, thầy Nguyễn Văn Vĩnh… đã được xã hội ghi nhận. Những thế hệ học sinh được dạy dỗ bởi những giáo viên ấy, sau này trở thành những trụ cột của ngành Giáo dục-Đào tạo huyện. Tiêu biểu như thầy Ksor Djơn-Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện, thầy Nay Pher-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Rsươm)... Vượt qua những khó khăn ban đầu, ngành Giáo dục-Đào tạo Krông Pa có những bước tiến vượt bậc. Năm 1998, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ. Đến nay, toàn ngành có 53 cơ sở giáo dục chính quy, trong đó có 15 cơ sở giáo dục mầm non, 20 trường tiểu học, 1 trường tiểu học-trung học cơ sở, 14 trường trung học cơ sở và 4 trường trung học phổ thông. Có 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 1 trường mầm non đạt chuẩn cấp độ III và 1 trường trung học cơ sở đạt cấp độ II về kiểm định chất lượng giáo dục. Toàn huyện có 22 ngàn học sinh, bình quân 3,2 người dân có 1 người đi học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có khoảng 1.200 người, trong đó số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn đạt 98%. So với năm 1979 số đơn vị trường học tăng gần 90 lần, số cán bộ giáo viên, nhân viên tăng 13 lần, số lượng học sinh tăng 11 lần và tỷ lệ người dân đi học tăng gấp 3 lần. Những năm qua, nhờ sự quan tâm sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện Krông Pa và các ban ngành liên quan, ngành Giáo dục-Đào tạo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 90%. Hàng năm, số học sinh đạt khá giỏi chiếm 35-40%. Hàng trăm học sinh được công nhận là học sinh giỏi cấp huyện và đạt giải cao cấp tỉnh ở các cuộc thi như: giải toán trên Internet, thi Olympic tiếng Anh trên Internet... Với những thành tích đạt được trong 35 năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Krông Pa được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh và ngành. Tự hào với truyền thống đó, tập thể cán bộ, giáo viên huyện nhà tiếp tục đổi mới chất lượng giáo dục, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội huyện Krông Pa.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...