Kbang: Vùng đất giàu bản sắc

14/04/2014 07:30 AM


Không chỉ còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống bản địa mà sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc di cư từ nơi khác đến đã tạo cho Kbang những “nguồn vốn” làm nên một vùng đất đa dạng, giàu bản sắc. Bên cạnh đời sống kinh tế, văn hóa với những giá trị tinh thần to lớn đã tạo nên sự cân bằng trong đời sống xã hội con người.

- Không chỉ còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống bản địa mà sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc di cư từ nơi khác đến đã tạo cho Kbang những “nguồn vốn” làm nên một vùng đất đa dạng, giàu bản sắc. Bên cạnh đời sống kinh tế, văn hóa với những giá trị tinh thần to lớn đã tạo nên sự cân bằng trong đời sống xã hội con người.

Kbang là một trong những huyện xa trung tâm nhất tỉnh. Đây cũng là nơi hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số. Sự phong phú, đa dạng và giàu bản sắc được thể hiện qua phong tục tập quán, lối sống của người dân. Điều này cũng đặt ra cho địa phương thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị văn hóa trong cộng đồng.

 

Kbang là miền đất của những lễ hội... Ảnh: Lê Hòa
Kbang là miền đất của những lễ hội... Ảnh: Lê Hòa

Miền đất của lễ hội

Kbang vẫn còn là một trong số ít các nơi còn duy trì được hầu hết các lễ hội truyền thống. Nhiều địa phương vẫn còn tổ chức thường xuyên các lễ hội lớn và quan trọng: lễ mừng lúa mới tại làng Kbông (xã Lơ Ku), làng Buôn Lưới (xã Sơ Pai), liên hoan cồng chiêng hàng năm tại xã Kông Lơng Khơng, lễ bỏ mả tại làng Đê Ba, lễ hội cúng làng cuối năm tại làng Leng (xã Tơ Tung), hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tại xã Lơ Ku… Các lễ hội cứ kéo dài suốt từ những tháng trước Tết Nguyên đán qua tháng 3 năm sau.

Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kbang, lễ hội được coi là “đất” để nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống. Các nghi thức trong lễ hội chính là yếu tố thể hiện đậm nét nhất văn hóa và bản sắc cũng như lối sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc. Phần lễ bao gồm các nghi thức cúng Yàng và các thần linh. Lễ vật thường là những sản vật do người dân tự tay trồng, chăn nuôi và chế biến nên: nhung (heo), lar (gà), ngoh (rượu cần)… Phần hội thường diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ như: hội thi cồng chiêng và múa xoang, các trò chơi dân gian như: đi cà kheo (alongsơng), nhảy bao bố (bao tơpeng), đẩy gậy (long tơ trút), bắn nỏ (sră)… Không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đây là còn phương pháp để giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

 

Kbang là nơi còn lưu giữ nhiều cồng chiêng, trong đó có những bộ chiêng thuộc diện quý. Ảnh: Lê Hòa
Kbang là nơi còn lưu giữ nhiều cồng chiêng, trong đó có những bộ chiêng thuộc diện quý. Ảnh: Lê Hòa

Theo thống kê, Kbang có khoảng 19 dân tộc anh em sinh sống. Ngoài văn hóa dân tộc bản địa, nơi đây còn có thêm nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc khác cùng cư trú và làm ăn, sinh sống. Điều này góp phần không nhỏ tạo nên một bức tranh về văn hóa Kbang với những mảng màu sắc phong phú và sinh động. Cũng bởi điều này, các năm qua, ngành Văn hóa huyện Kbang đã tích cực tổ chức sưu tầm, thu thập các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc như Bahnar, Tày, Nùng, Mường… thông qua dạng băng đĩa, hình ảnh về các lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc. Ngoài ra, còn tiến hành tổ chức sưu tầm các làn điệu dân ca, bài nhạc dân gian… Qua đó, đã có phương án bảo tồn, trùng tu và phục dựng một số di sản văn hóa tiêu biểu có giá trị phục vụ phát triển du lịch văn hóa: biểu diễn cồng chiêng, các lễ hội bỏ mả, đâm trâu. Huyện cũng đã có chủ trương xây dựng một số làng nghề thủ công truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát…

“Kho báu” văn hóa vật thể

Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng địa phương, năm 2006, toàn huyện Kbang còn 630 bộ cồng chiêng. Đến năm 2008 đã phát hiện thêm nhiều bộ, nâng số bộ cồng chiêng lên 919 bộ. Và hiện nay theo đánh giá, hiện vẫn còn hơn 1.000 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong dân, trong đó có 20 bộ thuộc diện chiêng cổ và quý hiếm. Hiện có 5 làng còn lưu giữ được hơn 23 bộ cồng chiêng trở lên, nhiều hộ còn lưu giữ 5 bộ.

 

Lễ hội chính là “đất sống” của những nét đẹp văn hóa. Ảnh: Lê Hòa
Lễ hội chính là “đất sống” của những nét đẹp văn hóa. Ảnh: Lê Hòa

Văn hóa cồng chiêng đã được đưa vào mọi sinh hoạt của đồng bào dân tộc, coi đây là nội dung bắt buộc cho mọi sinh hoạt của tổ chức, cộng đồng. Trong các dịp lễ, Tết, biểu diễn cồng chiêng được coi là thành phần không thể thiếu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang, mỗi đơn vị xã, thị trấn đã xây dựng được ít nhất 1 đội cồng chiêng mang tính chuyên nghiệp. Nhiều nơi còn thành lập được đội cồng chiêng thanh thiếu nhi. Cứ hai năm một lần, huyện lại tiến hành tổ chức liên hoan cồng chiêng nhằm gìn giữ và phát huy vốn tài sản quý của dân tộc. Đội cồng chiêng huyện Kbang được đánh giá là “đội hình mạnh”, thường xuyên có mặt biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh cũng như cả nước: biểu diễn phục vụ đoàn nghiên cứu văn hóa dân gian Nhật Bản, biểu diễn tại Hà Nội để hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản phi vật thể của nhân loại, phục vụ chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Festival Cồng chiêng quốc tế 2009, chào mừng lễ khởi công và khánh thành công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)…

Nhắc đến văn hóa vật thể, không thể không nói đến các công trình kiến trúc nhà rông, nhà mồ với các sản phẩm điêu khắc, thủ công dân gian như: tượng, dệt thổ cẩm, đan lát… Ở Kbang, nhiều xã vẫn còn giữ được những ngôi nhà rông truyền thống như Tơ Tung, Kông Lơng Khơng… Đi kèm với nhà rông là nghệ thuật đan lát, tạc tượng với số lượng các tác phẩm ngày càng đa dạng và phong phú, phản ánh chân thực nhưng không kém phần sinh động cuộc sống sinh hoạt thường ngày tự bao đời của cư dân bản địa.

 

Một phần trình diễn cồng chiêng của đội chiêng nhí ở huyện Kbang. Ảnh: Lê Hòa
Một phần trình diễn cồng chiêng của đội chiêng nhí ở huyện Kbang. Ảnh: Lê Hòa

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kbang còn có 3 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, đó là Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) và khu căn cứ cách mạng-khu 10 (xã Krong). “Nhờ giá trị văn hóa-lịch sử, nơi đây đã và đang trở thành điểm nhấn để Kbang khai thác thế mạnh phát triển du lịch-ngành công nghiệp không khói hiện đang được ưu tiên đầu tư phát triển”-ông Đinh Đình Chi, nhận định.

BOX: Thời gian qua, thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Kbang đã đầu tư xây mới và sửa chữa 86 nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng số vốn trên 4,4 tỷ đồng. Năm 2012, bằng nguồn vốn của dự án Flitch đã đầu tư trên 11 tỷ đồng xây dựng 14 nhà văn hóa tại các thôn làng, xã. Đây là địa điểm để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục-thể thao, vui chơi giải trí… góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân tộc.

Theo Báo Gia Lai