An Khê: Hàng trăm ha cây trồng bị hạn

10/04/2014 07:51 AM


Nắng nóng kéo dài đã làm hàng trăm ha lúa của người dân bị hạn. Tuy những ngày vừa qua tại một số nơi trên địa bàn đã xuất hiện mưa dông nhưng lượng mưa chỉ đủ để “giải hạn” cho một số cây trồng dài ngày như cây mía, cây mì còn diện tích lúa nước thì đã bị mất trắng hoàn toàn.

Nắng nóng kéo dài đã làm hàng trăm ha lúa của người dân bị hạn. Tuy những ngày vừa qua tại một số nơi trên địa bàn đã xuất hiện mưa dông nhưng lượng mưa chỉ đủ để “giải hạn” cho một số cây trồng dài ngày như cây mía, cây mì còn diện tích lúa nước thì đã bị mất trắng hoàn toàn.

 

Lúa khô người dân bỏ không chẳng muốn ra đồng nữa. Ảnh: Lê Nam

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, hiện phần lớn các ao, hồ chứa đã bị cạn khô nước, làm hơn 261 ha lúa nước bị thiệt hại trên 70% hoặc mất trắng, hơn 103 ha lúa bị ảnh hưởng giảm năng suất 30-70%. Thiệt hại nặng nhất là các xã: Thành An bị mất trắng 65 ha, 26 ha thiệt hại 30-70%; Tú An mất trắng 60 ha, 35 ha thiệt hại 30-70%; phường An Phước 70 ha mất trắng, 7 ha thiệt hại 30-70%...

Trực tiếp dẫn chúng tôi ra công trình thủy lợi bị cạn khô nước và những cánh đồng chỉ để cho gia súc ăn, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa-Phó Chủ tịch UBND xã Thành An cho hay: Cả xã có 3 công trình thủy lợi gồm 2 đập nhỏ và 1 đập lớn nhưng tất cả đã cạn khô không thể phục vụ nước tưới cho cây trồng. Người dân trên địa bàn xã làm nông nghiệp là chính với các loại cây trồng như mía, mì và lúa. Nắng hạn xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Chính quyền xã cũng đã nghĩ đến phương án chuyển đổi giống cây trồng nhưng không được bởi nếu chuyển qua các cây trồng cạn như cây ớt, dưa leo hay rau các loại thì chỉ cần có mưa là sẽ bị úng nước.

 
Những cánh đồng khô nứt nể chân chim. Ảnh: Lê Nam

Tại cánh đồng đập Bầu Dồn, xã Thành An, hơn 25 ha lúa nước 2 vụ của người dân giờ đây đã thành nơi thả bò. Ông Nguyễn Đình Luân-Trưởng thôn 3, xã Thành An cũng là người có hơn 3 sào ruộng trồng lúa tại cánh đồng này cho hay: “Những năm trước rất ít khi cánh đồng này xảy ra thiếu nước. Nhưng năm nay nắng nóng kéo dài 2-3 tháng liền làm cho đập Bầu Dồn cạn khô nước”. Cũng như gia đình ông Luân, nhiều hộ dân trồng lúa tại cánh đồng thôn 3, xã Xuân An cũng chịu cảnh mất mùa.

Chị Nguyễn Thị Vân-thôn 3, xã Xuân An than: Gia đình trồng được khoảng 3 sào lúa nước, những năm trước thời tiết thuận lợi thu hoạch được gần 2 tấn lúa. Năm nay chỉ thu được vài tạ lúa nhưng lúa bị lép rất nhiều do nắng hạn ở giai đoạn cuối cây lúa không phát triển được. Giờ gia đình cố gắng bỏ công ra thu hoạch vớt vát được chút ít nào thì hay đến đó.


Ông Mang Viên Tý-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết thêm: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2013-2014, Phòng đã khuyến cáo người dân không gieo trồng trên những chân đất có thể thiếu nước vào cuối vụ, cùng với đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn. Những vùng ven sông, ven suối chủ động được nguồn nước người dân đã chuyển đổi sang trồng rau màu… Thế nhưng, nhiều tháng nay không có mưa, các đập dâng, đập tràn, suối, hồ đều cạn kiệt nên nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng, trong đó có một số mất trắng. Trên địa bàn có 145 công trình thủy lợi thì có 74 công trình thủy lợi hiện thiếu nước hoặc đã cạn khô. Người dân vẫn trồng lúa theo phương thức truyền thống, đầu tư không hợp lý và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trước thực tế trên, Phòng đang thực hiện kế hoạch triển khai mô hình thí điểm trồng lúa theo phương thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đưa giống lúa ngắn ngày, giống lúa chất lượng cao trong vụ tới giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Vụ Đông Xuân trên địa bàn thị xã An Khê nói riêng và các địa phương khác nói chung gặp hạn như đến hẹn lại… xảy ra cho thấy công tác chỉ đạo thời vụ gieo trồng Đông Xuân và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương còn hạn chế. Người dân cần nâng cao ý thức trong sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng hoặc chủ động chuyển đổi cây trồng để hạn chế thiệt hại.

Theo Báo Gia Lai