Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh:Ưu tiên vốn cho các vùng khó khăn

03/04/2014 07:22 AM


Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Phòng Giao dịch huyện Chư Pưh (Ngân hàng) đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong hoạt động tín dụng chính sách, thực sự là công cụ-nguồn lực quan trọng và đắc lực hỗ trợ địa phương trong công tác giảm nghèo. Nguồn vốn từ ngân hàng được chuyển tải trực tiếp qua 11 chương trình cho vay

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Phòng Giao dịch huyện Chư Pưh (Ngân hàng) đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong hoạt động tín dụng chính sách, thực sự là công cụ-nguồn lực quan trọng và đắc lực hỗ trợ địa phương trong công tác giảm nghèo. Nguồn vốn từ ngân hàng được chuyển tải trực tiếp qua 11 chương trình cho vay đã trở thành dòng tín dụng chủ lưu đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách-đặc biệt là tại các vùng khó khăn đã thực sự phát huy hiệu quả tối đa khi doanh số cho vay chiếm tới 99% dân số, giúp nhiều hộ nghèo có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, tái tạo việc làm cũng như cải thiện kinh tế gia đình. Kết quả đó thể hiện khá rõ nét trong năm 2013 vừa qua, khi doanh số cho vay của Ngân hàng đạt 30,176 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 19,159 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ đạt 126,648 tỷ đồng (tăng trưởng tín dụng 10,644 tỷ đồng, đạt 9,17% so với đầu năm 2013) với 7.242 hộ dư nợ, nợ xấu 228 triệu đồng chiếm 0,18% tổng dư nợ (giảm 120 triệu đồng so với đầu năm); đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2013 đã giảm được 3% với 626 hộ thoát nghèo, chỉ còn 16,1% với 2.130 hộ... 
 

  Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh luôn chú trọng ưu tiên vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Ảnh: Đức Thụy
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh luôn chú trọng ưu tiên vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy

Tiếp nối hoạt động trong quí I-2014, Phòng Giao dịch huyện luôn  bám sát chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao cũng như tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung triển khai nhiệm vụ, kịp thời giải ngân vốn đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời chú trọng ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp hướng dẫn kiến thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, lồng ghép vốn tín dụng với các chương trình khuyến nông-khuyến lâm, dự án mục tiêu quốc gia tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn.

 

Ngay khi có thông báo giao vốn của cấp trên, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phân bổ chỉ tiêu 7,9 tỷ đồng và nguồn vốn thu nợ quay vòng từ các chương trình tín dụng, kiên quyết không để tồn đọng vốn. Tính đến hết quý I-2014, tổng nguồn vốn của Ngân hàng đạt 129,589 tỷ đồng, tăng 2,818 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 2,22%. Doanh số cho vay là 13,296 tỷ đồng, bằng 299% so cùng kỳ năm 2013, chủ yếu tập trung vào các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo 4,953 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 3,920 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1,990 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 2,295 tỷ đồng; cho vay vốn giải quyết việc làm 115 triệu đồng với 6 hộ vay, giải quyết cho 12 lao động nhàn rỗi, thu hút 6 lao động mới vào dự án hộ gia đình… Doanh số thu nợ đạt 11 tỷ đồng, bằng 166% so cùng kỳ năm 2013.
 

  Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo đánh giá từ phía Ngân hàng, nguồn vốn thu hồi từ các chương trình đã góp phần đáng kể vào việc cho vay quay vòng khi chiếm tới 62,2%/tổng doanh số cho vay vào năm 2013 và hiện đang chiếm 48%/tổng doanh số cho vay. Cũng nhờ làm tốt công tác thu nợ, số đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi đã gia tăng đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Hiện nay, công tác thu nợ tập trung vào các chương trình: hộ nghèo 6,990 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 2,663 tỷ đồng, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 789 triệu đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường 162 triệu đồng, xuất khẩu lao động 123 triệu đồng. Tổng dư nợ là 128,974 tỷ đồng, tăng 2,326 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 1,8%; dư nợ ủy thác thông qua hội đoàn thể 128,956 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Nợ xấu còn 211 triệu đồng, giảm 17 triệu đồng so đầu năm, chiếm 0,16% tổng dư nợ.

Theo ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Chư Pưh, Ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng hộ nghèo, hộ chính sách theo chỉ đạo tỉnh. Ngân hàng đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện chỉ đạo các xã, thị trấn về việc tập trung cho vay và điều hành kế hoạch tín dụng chính sách tại cấp xã đi vào nền nếp, hiệu quả ngay từ quý I-2014;  xây dựng chương trình kiểm tra giám sát năm 2014 và phân công cụ thể đến từng thành viên. Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể thường xuyên bám sát cơ sở, tập trung thu nợ đến hạn ngay từ đầu năm nhằm tạo vòng quay vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả; nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay bổ sung đối với hộ có dư nợ thấp, sử dụng vốn có hiệu quả nhưng chưa thoát nghèo...

Theo Báo Gia Lai