Hiệu quả của chính sách tín dụng nông nghiệp-nông thôn
31/03/2014 07:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau 3 năm triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp-nông thôn (NN-NT), dòng chảy tín dụng về khu vực NN-NT trên địa bàn tỉnh đã thực sự được khơi thông, doanh số cho vay lên tới 44.000 tỷ đồng, với 903.023 lượt khách hàng vay vốn, dư nợ tín dụng NN-NT đạt 16.407 tỷ đồng-tăng gấp 2,4 lần và chiếm tỷ trọng 49,5% tổng dư nợ cho vay...
Cũng như nhiều nông dân trồng tiêu ở Plei Hrai Dong II (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), ông Ksor Klen từ lâu không còn xa lạ với các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng được cung cấp từ Chi nhánh Agribank Chư Pưh. Từ hơn chục năm trước đây ông đã là khách hàng của Agribank khi vay vốn để trồng bắp, trồng đậu-vốn là loại nông sản căn cơ của bà con trước khi trồng cây hàng hóa có giá trị cao là cây tiêu. Lấy ngắn nuôi dài, sau khi chuyển sang trồng tiêu, cuộc sống của gia đình ông Klen thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân từ vườn tiêu 2.500 trụ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Có nguồn thu ổn định, lại chăm chỉ làm ăn-tích lũy, mùa tiêu năm nay ông dự định tiếp tục vay vốn ngân hàng để trồng thêm 600 trụ. Học cách làm ăn theo Ksor Klen, nhiều bà con trong làng cũng mạnh dạn vay vốn Agribank để đầu tư phát triển sản xuất, xây được nhà mới, làm vườn rẫy nhiều hơn... Những nét đổi thay ở Plei Hrai Dong II cũng được dễ dàng nhận thấy ở nhiều địa phương khi chính sách tín dụng đầu tư cho NN-NT lan tỏa mạnh mẽ trong hơn 3 năm trở lại đây. Thực hiện Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT, là tiền đề quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế trọng yếu, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho NN-NT, thúc đẩy phát triển sản xuất và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 24/24 tổ chức tín dụng dành vốn để cho vay lĩnh vực NN-NT và nông dân (riêng Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai đang giữ vai trò chủ đạo khi cơ cấu cho vay NN-NT chiếm tới 97%) với doanh số cho vay đạt 44.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm là 14.670 tỷ đồng) với 903.023 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 34.548 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng duy trì ở mức khá tốt khi nợ xấu qua các năm có xu hướng giảm dần. Nếu như thời điểm 2010, nợ xấu là 302 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3% dư nợ NN-NT thì đến năm 2013, nợ xấu chỉ còn 151 tỷ đồng, chiếm 0,9%. Theo số liệu phân tích từ phía ngành Ngân hàng tỉnh, nếu như ở thời điểm cuối tháng 8-2010, dư nợ tín dụng đối với nông dân trong khu vực NN-NT chỉ đạt 6.955 tỷ đồng (chiếm 34,2% tổng dư nợ) thì sau 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ NN-NT theo Nghị định 41/CP, dư nợ NN-NT toàn tỉnh đã tăng lên 16.407 tỷ đồng (tăng gấp 2,4 lần và chiếm tỷ trọng 49,5% tổng dư nợ). Tốc độ tăng trưởng tín dụng nông dân trong khu vực NN-NT bình quân hàng năm đạt tới 33,1%. Về khách hàng, từ 191.493 khách hàng còn dư nợ cuối tháng 8-2010 thì đến 31-8-2013 con số này đã tăng lên 214.757 khách hàng (tăng 23.264 khách hàng, tỷ lệ tăng 12,1%). Trong đó, dư nợ cá nhân, hộ gia đình là 10.395 tỷ đồng, chiếm 63,4%; dư nợ cho vay doanh nghiệp là 5.859 tỷ đồng, chiếm 35,7%; dư nợ cho vay trang trại là 151 tỷ đồng, chiếm 0,9%; dư nợ cho vay hợp tác xã, tổ hợp tác là 2 tỷ đồng. Chính sách tín dụng dành cho NN-NT và sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ phía ngành Ngân hàng tỉnh đã mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện. Nguồn vốn tín dụng đầu tư đúng hướng đã phát huy tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp mang hiệu quả kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây hàng hóa nông sản khác. Bên cạnh đó, đầu tư tín dụng cho NN-NT được đa dạng hóa với nhiều ngành, lĩnh vực như cho vay chi phí sản xuất nông-lâm nghiệp; cho vay sản xuất công nghiệp-thương mại-dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay phát triển ngành nghề nông thôn; cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn chiếm tỷ trọng cao, thực sự là “bà đỡ” đắc lực, kịp thời hỗ trợ sản xuất nông hộ, xóa đói giảm nghèo.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...