An Khê một góc ký ức…

21/03/2014 01:50 PM


Ít ai biết rằng, An Khê xưa từng là vùng đất nổi tiếng với nghề nuôi ngựa. Đây là một trong những “lò” cung cấp ngựa thồ, ngựa đua cho khắp các vùng An Nhơn, Phù Cát (Bình Định). Ngay từ thời Pháp, ở An Khê đã có trường đua ngựa khá nổi tiếng…

Ít ai biết rằng, An Khê xưa từng là vùng đất nổi tiếng với nghề nuôi ngựa. Đây là một trong những “lò” cung cấp ngựa thồ, ngựa đua cho khắp các vùng An Nhơn, Phù Cát (Bình Định). Ngay từ thời Pháp, ở An Khê đã có trường đua ngựa khá nổi tiếng…

Ký ức trường đua xưa

Ngoài 80 tuổi, cụ Trần Giới (tổ dân phố 12, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vẫn còn nhớ khá rành rọt về trường đua ngựa ở An Khê xưa. Ngoài cụ Giới, trước còn cụ Huỳnh Chương cũng hiểu rất rõ về xứ An Khê này, tiếc rằng khi tìm tới, cụ đã thành người thiên cổ…

 

Một góc thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Lê Hòa
Một góc thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Lê Hòa

Cụ Giới kể lại rằng, khoảng những năm 1935-1936 dưới thời Pháp cai trị, cứ đến ngày 14-7 Dương lịch (ngày Quốc khánh Pháp) người Pháp lại tổ chức lễ hội cho những người Pháp và giới giàu có. “Lần đầu tiên được xem đua ngựa là khi tôi chừng 11-12 tuổi, đang là học sinh cũng ùa theo mọi người háo hức đi xem. Sau đó thì còn được xem thêm 2 lần nữa tổ chức ở sân bay do người Pháp khi ấy xây dựng (bây giờ thuộc khu vực đóng quân của Trung đoàn Pháo binh 368-N.V)”- cụ Giới kể lại.

Trường đua ngựa được lập ra ở sân vận động, rất rộng và có cả người Việt Nam tham gia điều hành. Trường đua được vẽ thành vòng tròn, có vạch vôi phân định. Ngựa được lựa chọn kỹ càng và phân loại hay dở để sắp xếp đua với nhau. Mỗi dịp có đua ngựa, hàng ngàn người dân khắp các vùng lân cận lại nô nức kéo về xem, đông vui và nhộn nhịp như ngày hội lớn. “Ngựa đua hay, dở phụ thuộc vào nài ngựa. Có người “hạp”, điều khiển ngựa chạy hay dữ lắm nhưng có người không ưng, nó hất cả xuống đất. Gay cấn và nghẹt thở lắm”… -cụ Giới cười móm mém, nói.

 

Đua ngựa ngày ấy là thú vui của giới giàu có. Dù là thú vui của kẻ ngoại xâm mang tới song cũng phần nào cho thấy nhu cầu đời sống sinh hoạt văn hóa khá phong phú của người dân An Khê thuở bấy giờ.

Nghề nuôi ngựa một thời vang bóng…
    
An Khê có trường đua ngựa hẳn phải có nguyên do của nó. Cụ Giới kể lại rằng, thời đó ở An Khê, việc chăn nuôi ngựa rất phát triển. Ngựa là phương tiện vận tải chủ yếu, dùng để thồ hàng hóa từ An Khê xuôi suống Bình Định và ngược lại. Ngay tại khu vực trường đua ngựa cũng là trang trại nuôi bò, ngựa lớn bậc nhất An Khê thuở bấy giờ do một ông chủ người Pháp đứng ra lập. Trang trại có trồng cỏ Tây và thuê người Việt làm công.


Trong dân, ngựa cũng được nuôi khá phổ biến. Chỉ tính riêng xóm Lũy cũng có cả chục hộ nuôi ngựa. Có thể kể đến như: ông Chính Quý (có thời gian làm Chánh tổng), ông Huỳnh Kháng, ông Thủ Sắc Bá, ông Ba Chấu, ông Chánh Giáo… mỗi ông có ít nhất 3-5 con ngựa. Những nhà thường cũng có 1-2 con, ngựa đẹp dùng để đi chơi, ngựa khỏe, chắc dùng huấn luyện thồ hàng.

 

Đình An Lũy. Ảnh: Lê Hòa
Đình An Lũy. Ảnh: Lê Hòa

Ngày ấy, ngựa thồ hàng và xe ngựa là món quý bởi là phương tiện vận chuyển chủ yếu. Bởi vậy, người ta ít khi xẻ thịt, trừ khi ngựa ốm đau. Nhà có tiền mua ngựa tuyển về nuôi, nhà khó vào vùng người dân tộc thiểu số, mua ngựa về thuần và làm giống. Nuôi ngựa lắm lợi mà lại nhàn, chỉ cần buộc vào một góc, ngựa cứ thế nhẩn nha ăn.

Vậy nhưng, nghề nuôi ngựa lại kéo dài không bao lâu ở xứ An Khê này, chỉ đến khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, ngựa nuôi trở nên ít dần. Và cho đến hôm nay, gần như đã không còn bóng dáng loài vật đã từng một thời rất gắn bó trong đời sống sinh hoạt, sản xuất ấy nữa.

… Ít ai còn biết đến tiếng vó ngựa ngược xuôi, tiếng xe lộc cộc từng một thời khua gõ trên những con đường làng nơi mảnh đất này. An Khê bây giờ đổi khác nhiều, phố thị sầm uất và đông đúc, những cỗ xe xưa giờ đã thành dĩ vãng. Ngay cả xóm Lũy vẫn còn đó một cái tên như nhắc đến thời hoang vu và ghê rợn, nơi tre giăng thành lũy để chống giặc mọi đêm về cướp, giết dân làng nay cũng đã thành phố thị. Nhưng, ký ức dù đẹp hay hãi hùng thì những nét xưa chưa hẳn quá xa xôi ấy cứ theo thời gian, mờ dần cùng bước chân người về với đất…

Theo Báo Gia Lai