Chuyện làm nhà rông ở làng Hlang 1
21/03/2014 07:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chưa có ngôi làng nào chúng tôi qua lại có tới hai ngôi nhà rông, trừ những làng được tặng thêm một cái nhà rông văn hóa, bên cạnh nhà rông truyền thống của làng. Và thường những nhà rông được tặng ấy, rất hiếm khi được làng sử dụng. Chuyện hiếm xảy ra ở làng Hlang 1, xã Yang Nam (huyện Kông Chro) khi làng làm thêm một ngôi nhà rông mới, cạnh ngôi nhà rông cũ.
Nhà rông cũ của làng được làm từ những năm 1996, gần 20 năm rồi còn gì, giờ đã cũ và chật chội quá. Làm một cái nhà rông bây giờ thật không đơn giản. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Làng phải có nhà rông, phải đủ rộng rãi. Hơn nữa, theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, mỗi làng phải có nhà sinh hoạt văn hóa, nên làng làm thêm cái nhà rông mới to hơn, để tiếp khách, tổ chức vui chơi cho đám trẻ và nhiều sinh hoạt khác của làng”-già làng Đinh Blâm giải thích việc làng làm thêm nhà rông mới. Dù làm nhà mới, nhưng ngôi nhà rông cũ vẫn được giữ lại. Ngôi nhà thấp nhỏ, chứng nhân bao chuyện lớn nhỏ của làng gần trọn 2 thập kỷ, được dời sang bên hông để nhường đất dựng nhà mới. Làng vẫn giữ nguyên xi, từ những chân cột đã bị mối xông chỉ còn trơ lõi, đến sàn gỗ đã có vài lỗ hổng lớn… khi dời ngôi nhà cũ đi. Già Blâm cho hay: “Nhà rông tuy cũ nhưng thiêng liêng lắm. Bao nhiêu năm làng cúng Yàng ở đây, họp làng ở đây, xử phạt hay ăn mừng cũng ở đây. Giờ nó không còn phù hợp để tổ chức một số hoạt động văn hóa nữa nhưng làng vẫn giữ lại làm nơi cúng Yàng”. Khung ngôi nhà rông mới dựng sừng sững giữa khu đất trống. Cả làng, già trẻ gái trai không chừa một ai, bận rộn với công việc của làng. Một số người ngồi giữa nắng trưa đục đẽo các cây gỗ. Đàn bà chậm rãi đưa từng miếng ván lên sàn nhà. Những đứa trẻ quanh quẩn bên người lớn với sự háo hức tò mò. Đám thanh niên ồn ào với những lời trêu chọc nhau nhưng vẫn luôn tay luôn chân khiêng gỗ, khiêng ván. Già làng Blâm và một già làng khác đi lên đi xuống chỉ đạo công việc.
Anh cán bộ dẫn đường nói nhỏ với chúng tôi, đây là làng nghèo nhất xã Yang Nam, nhưng cũng là ngôi làng rất tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc làm thêm một ngôi nhà rông vô cùng tốn kém, nhưng theo già Blâm: “Tốn cũng phải quyết tâm làm để hưởng ứng chủ trương lớn của Nhà nước. Bây giờ rừng hết gỗ, hết tranh rồi, đụng thứ gì cũng phải mua. Làng có 44 hộ với vỏn vẹn 360 nhân khẩu. Mình họp làng mấy lần, thống nhất đóng góp mỗi khẩu 500 ngàn đồng, vậy mà có gia đình chật vật mãi mới góp đủ cho làng. Tính sơ sơ đã thấy hết sạch số tiền làng góp rồi, 30 triệu đồng mua tôn, tiền công thợ 100 triệu đồng, chưa kể tiền đinh đóng, thép buộc”. Trưởng thôn Đinh Bdêi góp thêm vào câu chuyện làm nhà rông bằng giọng buồn buồn: “Hồi xưa nguyên liệu dựng nhà rông chủ yếu lấy từ rừng. Dân làng tự xoay xở được với nguyên liệu truyền thống như tranh, tre, nứa. Giờ phải dùng tôn lợp mái, dựng vách nên người làng không thể tự làm mà phải thuê thợ đóng mới chắc chắn. Vì thế mà phát sinh thêm khoản tiền không nhỏ. Thu mỗi khẩu 500 ngàn đồng là nhiều rồi, không thể thu hơn nữa. Mình phải tổ chức cho đàn ông vào rừng kiếm thêm gỗ làm sàn nhà. Nhưng bây giờ rừng có người quản lý rồi. Làng lấy mấy cây gỗ tạp về xẻ ván mà bao nhiêu lần bị lâm trường thu cưa xẻ, xe máy, vất vả lắm…”. Già Blâm và trưởng thôn Đinh Bdêi sau một hồi tính toán, cho biết tổng giá trị ngôi nhà rông khoảng 300 triệu đồng. Dù có nhiều chuyện không vui khi làm nhà, nhưng nhìn ngôi nhà mới khang trang sắp hoàn thành, Đinh Bdêi hồ hởi: “Làng dự kiến sẽ làm xong nhà trong tháng ba này. Nay mai tổ chức họp lớn, họp nhỏ gì cũng không sợ chật chội nữa. Đám trẻ con cũng có chỗ để vui chơi, hát hò…”.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...