Sôi động các lễ hội văn hóa truyền thống

19/03/2014 07:18 AM


Phục dựng lễ hội “Mừng chiến thắng của người Bahnar” và liên hoan tượng gỗ là hai hoạt động được mong đợi hơn cả trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-2014”. Các nghệ nhân Gia Lai đã có cuộc trình diễn ấn tượng, mãn nhãn người xem.

Phục dựng lễ hội “Mừng chiến thắng của người Bahnar” và liên hoan tượng gỗ là hai hoạt động được mong đợi hơn cả trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-2014”. Các nghệ nhân Gia Lai đã có cuộc trình diễn ấn tượng, mãn nhãn người xem.

Hấp dẫn lễ hội

Hai hoạt động diễn ra cùng lúc trước khuôn viên Bảo tàng tỉnh vào sáng 16-3. “Mừng chiến thắng của người Bahnar” là một trong những lễ hội lớn nhất trong hệ thống các lễ hội của người Bahnar. Lễ hội này bắt nguồn từ thời xa xưa khi các cộng đồng làng còn xảy ra chiến tranh, dân làng tổ chức lễ mừng chiến thắng để trả ơn thần linh đã giúp đỡ cộng đồng sau những đợt chống lại thiên tai, địch họa hoặc chiến thắng kẻ thù. Dân làng cũng không quên cầu xin các vị thần tiếp tục giúp đỡ để cả cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và có những vụ mùa tốt tươi.

 

Các nghệ nhân tham gia tạc tượng.            Ảnh: Đức Thụy
Các nghệ nhân tham gia tạc tượng. Ảnh: Đức Thụy

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, với ý nghĩa đó, lễ mừng chiến thắng hiện còn rất ít làng tổ chức. Vì thế, dù chỉ phục dựng lại lễ hội này, các nghệ nhân đến từ làng Yun, xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) đã khiến cho những người có mặt cảm thấy may mắn khi được thưởng thức lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa, ứng xử thâm thúy của người Bahnar trong đời sống. Đó cũng chính là yếu tố hấp dẫn để lễ mừng chiến thắng được xem là một trong những hoạt động “đinh” của chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-2014”.

Các nghệ nhân làng Yun còn cống hiến cho người xem những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, riêng biệt của tộc người Bahnar Đông Trường Sơn. “Dân ca là tiếng lòng, nó không chỉ gắn bó hàng ngày với cuộc sống của dân làng, nó nằm trong tâm thức, máu thịt của mỗi con người. Dân ca gần gụi như hơi thở, như miếng cơm nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, như bầu nước suối trong mát ngọt lành. Nó được cất lên, được thể hiện trong những lúc nghỉ ngơi tránh nắng trưa dưới bóng cây kơ nia, những khi ngừng tay cắt lúa trên rẫy, những đêm trăng sáng trai gái gọi nhau nơi đầu làng, trong những lễ hội cầu Yàng của cộng đồng”-lời giới thiệu như rót mật của nghệ nhân khiến người xem không thể hững hờ.

Khi hai nghệ nhân Đinh Thị Ngôn-Đinh Oeng hòa giọng lảnh lót trong làn điệu thân thuộc: “Tiếng con chim Brô tôk, rộn vang núi rừng/Anh cùng em lên rẫy, nhịp chân bên nhau/Giọng em hát như tiếng chim ca rộn ràng, làm lòng anh đắm  say” (Kuk kông bôr tôk bre mai-Tiếng chim anh và em) hay khi giọng Đinh Thị Ngôn tha thiết: “Dù mẹ không cho, dù cha không ưng cái bụng/Nhưng em vẫn nhớ thương anh, vẫn mong chờ gặp anh/Muốn cùng anh sống chung một mái nhà sàn/Sưởi chung bếp lửa, đắp chung cái chăn” (Me tra wăh bah tra ưh-Dù mẹ không cho, cha không ưng)… người nghe như tìm thấy sự đồng cảm dù ngôn ngữ khác biệt. Trong khi đó, những điệu múa trong “Vui sản xuất” tái hiện sống động hình ảnh trong lao động của người Bahnar khi lên rẫy, khỏe khoắn mà duyên dáng lạ lùng… Là một trong số ít du khách có mặt theo dõi các hoạt động văn hóa diễn ra tại sân Bảo tàng tỉnh, anh Lê Hồng Bàng-một du khách Hải Phòng chia sẻ: “Tôi tình cờ có mặt ở Pleiku những ngày này và thật may mắn vì được sống trong những ngày văn hóa mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Bố tôi từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và có những trang viết về vùng đất này. Nhưng quả thực, khi xem các nghệ nhân trình diễn, tôi mới thấy cốt cách phóng khoáng, truyền thống văn hóa độc đáo hiếm có của người Tây Nguyên”.

 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Hồn tượng

Cuộc gặp gỡ của các nghệ nhân tạc tượng trong chuỗi các hoạt động văn hóa hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-2014” đã không phụ sự chờ đợi của đông đảo người xem. Tượng gỗ gợi nhớ đến những pơ thi (bỏ mả)-một trong những lễ hội lớn nhất của người bản địa Tây Nguyên. Nghệ nhân tạc tượng còn là những “báu vật nhân văn sống”. Đây là những yếu tố hấp dẫn để khai thác du lịch văn hóa. Liên hoan tượng gỗ và điêu khắc dân gian, do đó, là một sự quảng bá văn hóa, gợi ý cho những chuyến “du thám” với bạn bè gần xa khi đến Gia Lai.

 

Tối 15-3, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ khai mạc các hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-2014” tại sân Bảo tàng tỉnh. Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”, các hoạt động hưởng ứng chính diễn ra từ ngày 13 đến 16-3 gồm có: phục dựng lễ hội “Mừng chiến thắng của người Bahnar”, liên hoan tượng gỗ và điêu khắc dân gian, triển lãm ảnh nghệ thuật “Vùng đất-con người Gia Lai và Tây Nguyên”, liên hoan ẩm thực. Ngoài ra, một số các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra vào dịp này gồm: Vòng chung kết U19 Quốc gia, liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam và Tây Nguyên 2014, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anh hùng Núp (1914-2014).

Trong cuộc gặp gỡ lần này, mỗi nghệ nhân đều có những ý tưởng riêng. Ở đó, tình cảm thầm kín được gởi gắm qua thế giới tượng gỗ sống động. Có cảm giác một Tây Nguyên thu nhỏ đang hiện diện với đầy đủ sắc thái cuộc sống. Ba tượng gỗ của nghệ nhân Ngher-làng Klual B-xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) là một lát cắt của chiến tranh: người phụ nữ không ngại gian nguy gùi gạo nuôi bộ đội,  hình ảnh biểu trưng của một “Bộ đội Cụ Hồ”. Nghệ nhân Ngher chia sẻ: “Người Bahnar, Jrai luôn biết ơn bộ đội. Có bộ đội mới đánh thắng giặc Mỹ, mới giữ yên biên giới cho buôn làng yên tâm làm ăn”.

Các nghệ nhân đến từ huyện Kông Chro đẽo tượng ba cặp vợ chồng với ba đề tài khác biệt. Người chồng đang thành kính làm lễ cúng Yàng bên một người vợ mang thai gần tới ngày sinh nở. Nghệ nhân Đinh Bri-làng Byang-thị trấn Kông Chro cho biết ý nghĩa: “Trước ngày sinh nở của người đàn bà, người đàn ông phải làm lễ cúng để Yàng phù hộ cho vợ an toàn, con sinh ra khỏe mạnh”. Còn nghệ nhân Đinh Uế hóm hỉnh giải thích ý nghĩa tác phẩm: “Đây là thời kỳ chưa có kế hoạch hóa gia đình, người vợ cõng đứa con nhỏ một tuổi trên vai trong khi bụng đã mang bầu chín tháng. Đẻ nhiều, nghèo khó đến không có áo mặc, người chồng đi bên cạnh hai tay ôm ngực vì lạnh”. Tuy vậy, nghệ nhân nói, thời kỳ ấy đã qua lâu rồi, nhưng người Bahar phải luôn ghi nhớ thời đói khổ ấy để phấn đấu thoát nghèo.

Một số nghệ nhân gặp nhau ở ý tưởng tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng qua hình ảnh người mẹ cho con bú, hình ảnh lao động bình dị của người đàn bà sàng gạo, hay lạc vào dòng sông sử thi với hình ảnh những người đàn ông dũng mãnh cầm khiên ra trận… Nghệ nhân tạc tượng Ksor Nao-thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Tạc tượng quan trọng nhất là ở gương mặt. Ở đó, thể hiện thần thái, tình cảm của con người, khi vui, khi buồn, khi hờn giận... Trước đây ông bà chỉ đẽo một cách trừu tượng, còn các nghệ nhân đang có xu hướng cụ thể hóa đường nét trên tượng gỗ, vì thế người xem dễ nắm bắt hơn các trạng thái”.

 

Theo Báo Gia Lai