Người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

11/03/2014 07:36 AM


Sau thời gian thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, huyện Chư Prông đã bước đầu thu được kết quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Sau thời gian thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, huyện Chư Prông đã bước đầu thu được kết quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

 

 

Thực hiện Kế hoạch 39/KH-UBND của UBND huyện Chư Prông và Công văn số 423/CAT-PV11-PC64 của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Chư Prông phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
 

  Công an huyện Chư Prông kiểm tra số vũ khí do người dân tự giác giao nộp. Ảnh: Đức Phương
Công an huyện Chư Prông kiểm tra số vũ khí do người dân tự giác giao nộp. Ảnh: Đức Phương

Qua 43 lượt tổ chức tuyên truyền cá biệt và tập trung tại các thôn, làng, tổ dân phố đã thu hút trên 1.245 lượt người dân tham gia tìm hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền 4 xã biên giới là Ia Lâu, Ia Púch, Ia Mơr, Ia Drăng, 2 Đồn Biên phòng, các doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền tập trung được 6 đợt với hơn 1.200 lượt người tham gia. Đối với các hộ gia đình, dòng họ còn lưu giữ các loại vũ khí thô sơ thuộc loại đồ gia bảo cũng được Công an xã, thị trấn lập sổ đăng ký, theo dõi chặt chẽ. Qua công tác kiểm tra tại 1 cơ quan, 3 trường học và 2 ban quản lý rừng phòng hộ, Công an huyện đã kịp thời nhắc nhở các đơn vị khắc phục thiếu sót trong quản lý công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, 3 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn cũng được Công an các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra và ký cam kết không tàng trữ, mua bán các sản phẩm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên người dân đã nắm rõ các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Kết quả, sau thời gian thực hiện đợt cao điểm cuộc vận động, người dân đã tự giác giao nộp cho cơ quan Công an 132 khẩu súng các loại. Trong đó, qua 6 đợt phát động tập trung, quần chúng nhân dân đã tự giác giao nộp 81 khẩu súng các loại (có 75 khẩu súng tự chế, 3 khẩu súng quân dụng, 20 quả bom bi, 1 bình xịt hơi cay). Các tổ công tác triển khai vận động cá biệt đã tiếp nhận 50 khẩu súng các loại, trong đó có 38 khẩu súng tự chế và 12 khẩu súng quân dụng. Toàn bộ số vũ khí quân dụng trên đã được Công an huyện lập biên bản tiếp nhận và đưa vào kho bảo quản. Đến nay, Công an huyện đã giao nộp 89 khẩu súng các loại cho Phòng PC46 Công an tỉnh bảo quản theo quy định.

Ông Triệu Văn Trác, ở xã Ia Boòng tự giác giao nộp 2 khẩu súng tự chế dạng súng kíp. Ông cho biết: Đây là súng do gia đình mua từ lúc còn ở ngoài quê (tỉnh Cao Bằng-N.V). Sau khi di cư vào sinh sống ở huyện biên giới Chư Prông ông Trác cũng có ý định mang theo để phòng thân, nhưng tình hình an ninh chính trị yên ổn, không cần phải dùng đến. “Vì thế mỗi lần đi làm rẫy tôi thường dùng để săn chim, thú làm thức ăn và xua đuổi thú rừng. Súng này thường giấu ở trong rẫy chứ tuyệt đối không để ở nhà, vì sợ xảy ra tai nạn. Thời gian gần đây thấy chính quyền vận động giao nộp nên tôi đem nộp cho Công an”-ông Trác nói.

Theo đánh giá của Đại tá Lê Văn Duy-Trưởng Công an huyện, thành viên Ban chỉ đạo vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ huyện Chư Prông, thì kết quả đạt được trong đợt cao điểm lần này là rất đáng mừng. Mặc dù đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã kết thúc, tuy nhiên Công an huyện Chư Prông tiếp tục phối vợp với các đồn biên phòng, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và chỉ đạo Công an các xã, thị trấn triển khai công tác này thường xuyên. “Vì là địa bàn bị địch chiếm đóng và xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ nên khả năng vũ khí, vật liệu nổ đến nay còn sót lại trong lòng đất và lưu giữ trong dân. Mặt khác, không loại trừ khả năng người dân, nhất là đồng bào miền núi phía Bắc di cư tự do và công nhân cao su cho các doanh nghiệp trên địa bàn còn cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, nhất là các loại súng săn tự chế ở trên rừng, rẫy mà chưa giao nộp hết”-Đại tá Lê Văn Duy nói.

Theo Báo Gia Lai